Công nhân chọn ‘bỏ phố về quê’ vì đau đầu chuyện lương bổng

Thời gian gần đây, càng có nhiều công nhân bỏ việc về quê vì không ít doanh nghiệp giảm đơn, giảm lương, khiến cuộc sống của họ thêm nhiều khó khăn.

Nhà máy ít việc, giảm lương

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo & Công luận, Gia Hân (23 tuổi, quê An Giang) vừa nghỉ việc tại công ty TNHH Showa Gloves tại tỉnh Bình Dương. Hân cho biết, đây đã là lần thứ hai Hân nghỉ việc chỉ trong 3 năm rời quê đi làm công nhân.

Không ít doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, giảm việc khiến không ít công nhân gặp khó khăn.

Vào tháng 4/2021, Hân xin nghỉ để về quê tránh dịch. Đến tháng 6/2021, Hân tiếp tục đi làm lại nhưng trong khoảng thời gian hơn 1 năm, cô gái 23 tuổi cảm thấy chán nản vì không học được nhiều kiến thức, kỹ năng mà thu nhập lại thấp, chỉ đủ trang trải hàng ngày.Trước đây, khi công ty nhiều việc, thu nhập của Hân được khoảng 8 triệu đồng/tháng hoặc hơn một chút nếu chịu tăng ca.

Đồng cảm với nhiều công nhân khác, anh Văn Toản (40 tuổi, quê Cà Mau) cũng vừa nghỉ việc Công ty TNHH Gỗ Hoàng Thông (TP. Dĩ An) sau gần 20 năm xa quê làm công nhân. Anh Toản là một trong hơn 800 công nhân Công ty Gỗ Hoàng Thông nghỉ việc khi nhà máy giảm giờ làm.

Do bị giảm việc, giảm lương, người lao động chật vật tại các khu công nghiệp. Trong ảnh là các công nhân tại Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông.

“Hồi tháng 5 là doanh nghiệp bắt đầu giảm đơn hàng, chỉ duy trì một nửa công suất hoạt động. Việc ít nên chúng tôi không được tăng ca, một số công nhân còn bị cho nghỉ tạm thời để chờ việc”, anh Toản kể.

Theo anh Toản, dù nhà máy có giữ nguyên các khoản phụ cấp, lương cơ bản nhưng do không làm thêm, tổng thu nhập của vợ chồng anh Toản giảm gần 7 triệu đồng so với trước.

“Vì còn lo cho con nên tôi không thể ở lại làm công nhân được. Vật giá thì leo tháng, với mức lương đó thật không đủ trang trải cuộc sống chứ nói chi có dư. Tôi về quê làm lại nghề biển, vợ thì ở lại làm công nhân một thời gian xem sao. Con tôi cũng đem về quê gửi ở trường mẫu giáo, giảm được một nửa chi phí”, anh Toản tâm sự.

Được biết, Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động. Cùng với TP. HCM, Đồng Nai, đây là địa phương tập trung nhà máy nhiều nhất khu vực Đông Nam Bộ với hoạt động sản xuất rất sôi động.

Tuy nhiên, hiện tình hình chung của các nhà máy là đơn hàng giảm sút 30-50%, không ký được đơn hàng mới, sản phẩm đã hoàn thiện không xuất đi được, chậm thu hồi vốn….

Theo ghi nhận của Liên đoàn lao động Bình Dương, từ quý 2 đến nay có hơn 330 doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn gặp khó khăn phải cắt giảm, tạm hoãn hợp đồng, cho công nhân nghỉ không hưởng lương. Tổng số lao động bị ảnh hưởng lên đến hơn 41.000 người. Ngoài ra, nhiều nhà máy còn cho công nhân nghỉ dồn phép năm, giảm số ngày làm việc trong tuần, tạm ngừng việc nhưng vẫn trả lương cơ bản…

Về quê để sớm an cư

Nhận ra thực tế khó khăn từ những trải nghiệm của bản thân, chị Thùy Dương (quê Đồng Tháp) đã quyết định bỏ hẳn nghề để về quê sau 3 năm làm công nhân tại công ty TNHH Showa Gloves ở tỉnh Bình Dương. Trước đó, chị Dương là công nhân với mức lương chỉ 7 triệu đồng. Sau 3 lần tăng, lương cơ bản của nữ công nhân này, cộng với các khoản phụ cấp, tiền làm thêm, tổng thu nhập của chị khoảng 9-10 triệu đồng/tháng; nếu không đi làm thêm, con số này giảm xuống còn 7-8 triệu đồng/tháng.

Việc an cư của nhiều công nhân trở nên khó khăn hơn khi vật giá leo thang, trong khi mức lương vẫn bèo bọt.

Tiền chi cho ở trọ khoảng 2 triệu, tiền ăn uống hàng ngày, chi tiêu lặt vặt khoảng 4-5 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng chị còn phải gửi ít tiền về quê để lo cho việc sinh hoạt trong gia đình. Vậy nên, trong suốt tháng ngày làm công nhân, chị chỉ dư được tiền mua vé về quê và một ít tiền phòng thân.

“Làm mấy năm trời có dư được đâu, đã vậy còn phải đau đầu vì mức sống ở đây cao quá. Ở quê tôi thấy có lẽ dễ sống hơn. Hôm dịch vừa qua quá khó khăn, khiến tôi ám ảnh không dám sống xa nhà nữa. Ở quê nhà tôi có vườn trồng vải, bưởi, nên ai cũng mong tôi về để có người làm. Giờ về quê may ra 5, 6 năm nữa có thể mua được một căn nhà khang trang để hai vợ chồng ở. Trên này làm công nhân miết không biết khi nào có thể an cư”, chị Dương nói.

Giống với suy nghĩ của chị Dương, anh Đức Minh (43 tuổi) cũng vừa cùng vợ con về quê để lập nghiệp. May mắn hơn nhiều công nhân khác, sau nhiều năm làm công nhân, gia đình anh vẫn dư ra được một số vốn để tính đến chuyện kinh doanh. Trải qua đợt giãn cách vì Covid-19, anh Minh càng kiên quyết hơn về việc về quê lập nghiệp một lần nữa.

“Thật sự tôi không biết phải làm công nhân đến bao giờ mới thoát được cảnh ở nhà thuê. Thôi thì về quê có gì ăn nấy, mức sống không cao nên giá cả phải chăng. Vợ chồng tôi trước kia do thất nghiệp nên mới lên tình khác làm công nhân, giờ có ít vốn rồi, có thể về quê buôn bán gì đó để mong có ngày mua được nhà”, anh Minh bộc bạch.

Theo Bộ Xây dựng, giá nhà, đất đang tăng cao so với thu nhập của người dân và tại các đô thị lớn hầu như không còn căn hộ chung cư dưới 25 triệu đồng/m2. Bộ Xây dựng cũng từng thừa nhận rằng các căn hộ bình dân với mức giá dưới 25 triệu/m2 trên thị trường vài năm qua rất ít, hầu như chỉ xuất hiện ở một dự án xa trung tâm và hạ tầng kém phát triển. Ở TP. HCM, đây là năm thứ hai liên tiếp thị trường không có căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2, theo DKRA Việt Nam.

“Giá bán một căn hộ trung cấp hai phòng ngủ hiện cao hơn khoảng trên dưới 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân có khả năng dành dụm được khoảng 8 – 12 triệu đồng/tháng”, Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) nhận định.

Vì thế, với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng, để sớm an cư đối với công nhân sinh sống tại các tỉnh, thành lớn là quá khó khăn.

Thúy Vy | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục