Gen Z mạnh tay chi tiền cho các trải nghiệm chữa lành
Vẽ tranh, làm nến, tham gia các lớp thiền, thậm chí là gội đầu dưỡng sinh và các liệu trình điều trị chuyên sâu vùng đầu và xương khớp, giới trẻ chi tiền vào các dịch vụ chữa lành để giải tỏa áp lực.
“Mua giấc ngủ” từ những trải nghiệm chữa lành
Là sinh viên năm cuối một trường kinh tế có tiếng tại Hà Nội, Ngô Phương Anh (21 tuổi, Hà Nội) thường xuyên bị lo âu và mất ngủ sau thời gian quay trở lại trường học tham gia vào đợt thực tập và chuẩn bị làm khóa luận tốt nghiệp.
Cố gắng cải thiện tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc từ gần 3 tháng qua, Phương Anh đã bỏ ra 2,4 triệu đồng để đăng ký khóa học yoga cho ba tháng. Ngoài việc tham gia lớp yoga, mỗi dịp cuối tuần chị lại cùng bạn bè tham gia các buổi trải nghiệm làm nến thơm, vẽ tranh, thêu thùa để thư giãn, chi phí chị bỏ ra cho mỗi buổi giao động từ 300 ngàn cho đến 700 ngàn đồng.
Bước đầu trải nghiệm cuộc sống công sở, Phương Anh cảm thấy khó khăn để hòa nhập tại môi trường mới. Các buổi yoga hay workshop thủ công không chỉ là cơ hội cho chị quên đi áp lực công việc, tập trung vào tìm hiểu hoạt động mới mà còn là dịp để chị phát triển khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ.
Phương Anh thường xuyên phải làm thêm giờ để đáp ứng chỉ tiêu, đi trao đổi với đối tác, chuẩn bị các chứng chỉ chuẩn bị cho ra trường. “Tất cả khiến mình căng thẳng, đau đầu mất ngủ và uể oải khi đi làm. Mình cố gắng học hỏi những điều mới để có thêm trải nghiệm và phần nào giải tỏa stress”. Chị chia sẻ, nếu các biện pháp chữa lành không thể cải thiện, chị đành phải tìm tới bác sĩ tâm lý.
Một năm nay, Nguyễn Thu Hằng (23 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) đã đăng ký trọn gói một liệu trình chăm sóc phần đầu bao gồm dịch vụ chăm sóc tóc và da đầu bằng thảo dược từ thiên nhiên, kết hợp với massage đầu – cổ – vai – gáy – lưng, day ấn huyệt. “Một buổi gội đầu dưỡng sinh chi phí từ 200 ngàn cho đến 500 ngàn đồng, mình có nhu cầu nhiều nên đã mua gói 1 năm để được giảm giá”, chị Hằng kể.
Tương tự Phương Anh và Thu Hằng, nhiều bạn trẻ đang phải vật lộn với lo âu, mất ngủ do căng thẳng, áp lực trong công việc, cuộc sống. Mạnh tay chi tiền để “mua giấc ngủ” thông qua các dịch vụ như lớp thiền, yoga, làm nến, vẽ tranh… họ chấp nhận đầu tư vào các trung tâm với hy vọng cải thiện tình trạng của bản thân.
Đại diện một thương hiệu chuyên gội đầu dưỡng sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người rất cao. Là thương hiệu có 6 năm kinh doanh trong lĩnh vực này, cửa hàng ngày càng mở rộng nhiều dịch vụ chuyên sâu, đặc biệt ở vùng đầu và vai gáy cho đối tượng là nhân viên văn phòng với mức giá giao động từ 300 ngàn cho tới 1 triệu đồng/ một liệu trình. “Thực tế nhu cầu lớn, thương hiệu không cần đầu tư quá nhiều vào marketing mà và vẫn có lượng khách hàng ổn định”, chủ thương hiệu cho biết.
Người trẻ “khủng hoảng” hậu Covid-19?
Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công Luận, PGS.TS Trần Thu Hương – Giảng viên chuyên ngành tâm lý học lâm sàng của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, thời gian 2 năm sống chung với Covid-19 vô hình trung khiến cho sự kết nối giữa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, đặc biệt là của người trẻ bị hạn chế.
“Dưới góc độ tâm lý học, các bạn trẻ là lứa tuổi đang trong giai đoạn bước đầu thiết lập các mối quan hệ xã hội, việc ngắt kết nối và tương tác với mọi người sẽ dễ khiến cho các bạn thu mình lại, sợ hãi, không thể tương tác phát triển trong môi trường mới, từ đó dẫn tới áp lực”, bà Hương chia sẻ.
“Ban đầu, trong trường hợp người trẻ sử dụng các phương thức chữa lành để đối mặt với thực tế cuộc sống, sau là thích thú và cảm thấy hạnh phúc với các trải nghiệm ấy thì bản chất đây là một phương thức tốt giúp cho các bạn được an tĩnh, tìm kiếm được cảm giác mang tính hạnh phúc”, bà nói thêm.
PGS.TS Trần Thu Hương nhận định, việc tìm đến các biện pháp chữa lành là biểu hiện của việc mất cân bằng và khó kiểm soát về mặt cảm xúc và hành vi. Khi tình trạng này kéo dài dễ gây gia tăng nặng các vấn đề, đẩy các bạn trẻ tới các bệnh lý trầm trọng hơn như rối loạn tâm thần và các vấn đề về sức khỏe khác.
Theo bà Hương, người trẻ cần thực tế, nhận biết đúng được các vấn đề của mình, hiểu rằng mình đang trục trặc và mình cần đến sự hỗ trợ. Đôi khi việc trốn tránh vấn đề của các bạn xuất phát từ tâm lý tự ti, ngại chia sẻ và nỗi lo bị xã hội đánh giá. Tuy nhiên, chỉ khi dám đối mặt với vấn đề của bản thân thì người trẻ mới có khả năng xử lý và cân bằng được cuộc sống của bản thân.
Phùng Linh | Nhà báo & Công luận