Kinh tế càng phát triển thì tính phức tạp của đạo đức doanh nhân càng khó kiểm soát
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã và đang đóng góp rất nhiều cho xã hội, họ đại diện cho sức sản xuất trong nền kinh tế thị trường, là lực lượng xung kích, đóng góp vào những thành tựu của đất nước. Nhưng bên cạnh những thành công, những cống hiến lớn lao thì vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm.
Những kẽ hở lách luật
Nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang trong giai đoạn dần hoàn thiện, hệ thống pháp luật chưa đáp ứng được những nhu cầu của thực tiễn, còn nhiều kẽ hở và bất cập, tạo cơ hội cho các hành vi phạm pháp. Trong bối cảnh như vậy, một số doanh nhân đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật, “lách luật” để làm giàu bất chính. Tình trạng đó ảnh hưởng xấu đến sự hình thành và phát triển đạo đức doanh nhân.
Một số người trong đội ngũ doanh nhân thoái hóa biến chất về đạo đức làm cho phương châm sống của chủ nghĩa xã hội “mình vì mọi người, mọi người vì mình” không đi vào thực tế cuộc sống. Khiến một số người tỏ ra hoài nghi về sự tồn tại của cái gọi là “đạo đức kinh doanh” trong cơ chế thị trường.
Thực tế đã có nhiều vấn đề như thực phẩm được dán mác “sản phẩm sạch” đã nhiễm chì và “ngậm” thuốc trừ sâu trầm trọng. Thậm chí, một số thương hiệu lớn cũng bị phát hiện gian lận xuất sứ hàng hóa. Rồi những vụ đại án thổi giá kit test, gian lận nguồn gốc xuất xứ, hay phát hành trái phiếu trái quy định có dấu hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Những vụ việc như thế đang làm xói mòn hình ảnh “doanh nhân thành đạt” làm ảnh hưởng đến các doanh nhân có đạo đức chuẩn mực.
Kinh tế càng phát triển thì tính phức tạp của đạo đức doanh nhân càng khó kiểm soát. Không ít doanh nhân đã vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả, coi thường đạo lý, thậm chí vi phạm pháp luật, làm đảo lộn các chuẩn mực, các giá trị đạo đức. Nhiều doanh nhân đã vì đồng tiền, vì lợi nhuận mà không ngần ngại lừa đảo cả đối tác, khách hàng của mình bằng những hành vi tinh xảo, mua chuộc, hối lộ những cán bộ có chức có quyền để tạo điều kiện cho họ làm ăn phi pháp.
Đạo đức doanh nhân còn tồn tại những bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân do hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa hoàn thiện, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu rõ ràng. Trong thực thi pháp luật chưa thực sự nghiêm minh. Do đó có một số doanh nhân cố tìm những “kẽ hở” để “lách” luật, làm lợi bất chính, vi phạm các chuẩn mực đạo đức.
Thứ hai, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa nên thường tập trung vào mục tiêu ngắn hạn.
Thứ ba, chưa có hệ thống các chuẩn mực đạo đức doanh nhân trong kinh doanh phù hợp. Chỉ mới gần đây VCCI công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Cần có cơ quan có thẩm quyền giám sát việc thực hiện để đảm bảo các qui tắc này được đi vào cuộc sống và tôn vinh các tấm gương doanh nhân điển hình.
Thứ tư, vấn đề quản trị doanh nghiệp yếu. Mới có nguyên tắc, chuẩn mực khuyến nghị đối với doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng, còn khối DNNN, doanh nghiệp chưa niêm yết lại chưa có. Văn hóa làm việc theo kiểu “tạm bợ”, ngắn hạn, đôi khi đã ngấm vào tư duy lâu nay của một bộ phận doanh nhân, chưa kịp điều chỉnh theo yêu cầu, theo chuẩn mực chung của quốc tế và quốc gia.
Để nâng cao đạo đức của đội ngũ doanh nhân gắn với xây dựng văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đất nước toàn diện, hội nhập quốc tế, chúng ta cần sự nỗ lực không chỉ của lực lượng doanh nhân chân chính mà còn cần sự ủng hộ, đồng hành và kiến tạo của Đảng và Nhà nước, Bộ ngành, địa phương, tổ chức hiệp hội ngành nghề.
Không tạo kẽ hở cho làm giàu bất chính
Thứ nhất là ưu tiên hoàn thiện thể chế, pháp luật, tiếp tục công cuộc cải cách hành chính theo hướng trong sạch, minh bạch, chuyên nghiệp, kiên quyết xoá bỏ cơ chế “xin cho”; loại bỏ các rào cản gây phiền hà cho doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy hành chính thân thiện, đúng bản chất dịch vụ công để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Hệ thống thể chế phải được cải cách, đổi mới theo hướng tạo nền tảng và khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh có văn hóa, tạo môi trường kinh doanh công bằng với mọi thành phần kinh tế. Phải xây dựng và thực thi các chính sách, quy định pháp luật thực sự đúng đắn, khoa học để không tạo kẽ hở cho làm giàu bất chính. Các thành phần kinh tế được đảm bảo lợi ích chính đáng cũng như ngăn chặn, trừng phạt những
hành vi gian lận. Đảng và Nhà nước ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo sự minh bạch, công bằng, nhất quán để giúp doanh nghiệp được tự do, lành mạnh.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức kinh doanh, đạo đức doanh nhân gắn với văn hóa doanh nghiệp. Đây sẽ là căn cứ để xã hội đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp, từ đó tạo ra các “sức ép”, động lực để các doanh nghiệp tuân thủ các cam kết, phấn đấu thực hiệnchuẩn mực đạo đức doanh
nhân, văn hóa kinh doanh gắn với phát triển văn hóa doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh cộng đồng…v.v.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp đạt chuẩn mực, là tấm gương về phát triển đức đức doanh nhân và văn hóa doanh nghiệp
Thứ tư, tăng cường giám sát xã hội và vai trò của các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành nghề. Cần phải có một cơ chế giám sát, xử lý cương quyết với các hành vi sai trái, vi phạm đạo bằng pháp luật cũng như bày tỏ thái độ phản kháng mạnh mẽ với các hành vi sai trái. Khi đó doanh nhân và doanh nghiệp sẽ phải rất cân nhắc trước khi đưa ra những hành vi ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cộng đồng.
Về phía doanh nhân, để trở thành những doanh nhân chân chính và để đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về chất và lượng, bản thân đội ngũ doanh nhân phải nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp. Bản thân doanh nhân trở thành người đủ tài, đủ tâm và đủ tầm, luôn khơi dậy, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, khát vọng làm giàu chân chính trong xã hội.
Đồng thời đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Bản thân các doanh nhân phải là những tấm gương mẫu mực. Phẩm chất, đạo đức và cách ứng xử của doanh nhân là nền tảng xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và người quản lý cũng cần có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại và tích cực đóng góp ý kến để xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, tuân thủ đạo đức kinh doanh, thông qua đóng góp các ý kiến, đề xuất với cơ quan hữu trách về cải thiện thể chế, hợp lý hóa các công cụ luật pháp, các thủ tục hành chính và hưởng ứng nhiệt tình các chính sách của Đảng và nhà nước.
TS. Cấn Văn Lực,
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
Nhà báo & Công luận