Bệnh nhi nhiễm cúm gia cầm phải nhập viện cấp cứu: Không chủ quan nhưng đừng hoang mang!

Theo các chuyên gia hiện nay chưa xuất hiện dịch cúm trên gia cầm nên nguy cơ lây sang người vẫn chưa cao vì thế người dân không nên quá hoang mang mà nên thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tỷ lệ tử vong khi mắc cúm gia cầm rất cao

Hiện nay, trường hợp bệnh nhân đầu tiên mắc cúm gia cầm sau 8 năm đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Bởi theo thông tin thì tỷ lệ tử vong của bệnh này rất cao, do đó nếu chủ quan phòng tránh khi bị lây nhiễm sẽ rất nguy hiểm.

Được biết, bệnh nhi 5 tuổi ở Phú Thọ mắc cúm A/H5 hiện đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay bệnh nhi này đã “rất may mắn phục hồi”, đã được rút nội khí quản, hoàn toàn tỉnh táo.

Bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, ngày 8/10, bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi trong tình trạng suy đa phủ tạng, suy nhiều cơ quan rất nặng, sốc nhiễm khuẩn. Ngày 10/10, trẻ được Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm xác định type cúm A/H5. Đến ngày 17/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương khẳng định bệnh nhi dương tính với virus cúm A/H5.

Những người tiếp xúc đều âm tính

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương cho biết, ngay sau khi xác định được ca bệnh, Viện đã cử đội phòng chống cơ động lên Phú Thọ, đến địa bàn bệnh nhân sinh sống (xã Ðông Thành, huyện Thanh Ba) phối hợp với Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và địa phương cùng điều tra dịch tễ, khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà ở của bệnh nhân và 4 hộ gia đình xung quanh. Ðội đã lấy 65 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc với bệnh nhân (cả tiếp xúc xa và tiếp xúc gần), kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả đều âm tính với cúm A/H5. Hiện tình hình sức khỏe của những người tiếp xúc với bệnh nhân hoàn toàn bình thường.

Việc bệnh nhi ở Phú Thọ phục hồi tích cực sau khi được can thiệp y khoa hiện đại là một điều rất may mắn. Bởi theo cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm cho thấy tỷ lệ tử vong lên đến gần 50%.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A/H5, cúm A/H7… gây ra. Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm. Bệnh có biểu hiện sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh cho người.

Sau khi thông tin ca bệnh cúm gà được ghi nhận nhiều người dân tỏ ra lo lắng về nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát lây sang cho người. Theo chị Trần Thu An ở Phú Thọ, mấy ngày qua chị cẩn thận hơn trong việc mua bán và sử dụng thịt gia cầm. “Hiện chưa có dịch tuy nhiên phải nên phòng tránh vì mùa đông hay xảy ra dịch cúm. Phòng tránh vẫn hơn” – chị Trần Thu An chia sẻ.

Bàn về trường hợp bệnh nhi ở Phú Thọ mắc cúm gia cầm sau 8 năm tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Trần Như Dương khẳng định điều này hết sức bình thường vì khi nào còn cúm gia cầm thì nguy cơ lây lan sang người là rất lớn. Vì vậy người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế. Từ năm 2003 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 128 trường hợp mắc cúm A/H5.

Cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh

Để hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này cũng như cách phòng chống, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công. Theo ông Trần Đắc Phu, trường hợp cháu bé ở Phú Thọ mắc cúm gia cầm mới xét nghiệm ra cúm A/H5 nhưng chưa xác định là cúm AH5N1 hay N2. “Hiện vẫn chưa biết là cúm gì nên vẫn chưa thể so sánh với dịch cúm năm 2003” – ông Trần Đắc Phu cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay cần phải tiếp tục theo dõi vì đây là trường hợp nhiễm cúm bị lây truyền từ động vật sang người mà cụ thể là từ gia cầm. Mầm bệnh có thể lưu hành trên đàn gia cầm nhưng cũng có thể do chim di cư mang đến rồi lây cho đàn gia cầm rồi lây sang người.

Đánh giá tình hình và khả năng bùng phát dịch hiện nay, ông Trần Đắc Phu nhận định, hiện chưa phát hiện ra được ổ dịch gia cầm mới. Trong khi, muốn bùng dịch phải lây từ gia cầm sang người. Còn khả năng lây từ người sang người với cúm gia cầm là rất ít khi xảy ra. Thế nên, nguy cơ lây từ ca bệnh này sang ca bệnh khác là không cao. Hiện chưa phát hiện ra ổ dịch gia cầm mới nên cần tiếp tục theo dõi.

“Chúng ta cũng không nên chủ quan vì dịch gia cầm lây sang người thường có nhiều biến chủng… Tuy nhiên cũng không nên lo lắng quá dẫn tới ảnh hưởng làm ăn kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến việc tiêu thụ gia cầm nhất là gần đến Tết. Nếu cứ lo lắng quá chẳng ăn thịt gà thì ảnh hưởng đến người chăn nuôi” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Để thực hiện tốt phòng bệnh, vị chuyên gia này cho rằng người dân cần thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong đó có nghề giết mổ, an toàn trong việc mua sắm, ăn chín, uống chín, khử khuẩn tay. Các biện pháp này để phòng bệnh.

“Không ăn thịt gia cầm không có nguồn gốc, phải nấu chín, phải thực hiện chăn nuôi an toàn để làm sao nếu có dịch gia cầm thì cũng không thể lây sang người. Ðây là những biện pháp phòng bệnh nhưng vẫn đảm bảo được an sinh xã hội của người dân. Thói quen ăn tiết canh vịt phải bỏ vì ăn sống là không được. Phải ăn thức ăn chín. Ðảm bảo vệ sinh giết mổ, ăn chín, uống chín là cách phòng tránh hữu hiệu nhất” – ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Như vậy qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy được hiện nay dịch cúm gia cầm chưa xảy ra, trường hợp bệnh nhân ở Phú Thọ mới là trường hợp đầu tiên vì thế người dân không quá hoang mang. Hiện nay cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm ăn chín, uống sôi.

Bốn biện pháp phòng chống bệnh người dân tuân thủ

Ðể chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Trinh Phúc | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục