Kiến nghị của loạt doanh nghiệp nhằm ‘giải cứu’ thị trường địa ốc

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa tổng hợp nội dung cuộc họp giữa Chính phủ và các doanh nghiệp hôm 8/11, trong đó có các giải pháp cần triển khai ngay trong tháng nhằm "giải cứu" thị trường bất động sản.

Cuộc họp theo đó đã thống nhất xác định “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất…

“Vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản – 

Trong lúc chờ sửa Luật Đất đai và một số luật liên quan, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành ngay trong tháng 11 này “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án đô thị, nhà ở.

Kế đến là thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu đồng bộ và liên thông, làm kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại… Trong đó, có nguyên nhân do một số quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất; do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ, công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.

Từ đó, bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, các doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại theo Chỉ thị 13/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, xem xét thành lập “ban công tác đặc biệt” hoặc “tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường.

HoREA chỉ ra, có 64 dự án tại TP. HCM theo chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” và thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”, để các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm nộp nghĩa vụ tài chính… Các doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành “quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập” đối với các diện tích đất do nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án nhà ở thương mại để tháo gỡ “ách tắc” của các dự án và tăng nguồn cung nhà ở.

Cùng với đó, cho phép thí điểm áp dụng tương tự Nghị quyết 42/2017/NQ-QH14 của Quốc hội cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được “chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất” để tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền” giúp làm tăng nguồn cung nhà ở.

Liên quan vướng mắc về tiền sử dụng đất, các doanh nghiệp mong Chính phủ sớm chỉ đạo các địa phương xác định tiền sử dụng đất đối với các dự án bất động sản, nhà ở thương mại đã “tạm nộp tiền sử dụng đất” hoặc đang được “rà soát xác định tiền sử dụng đất bổ sung” để doanh nghiệp hoàn thành nộp tiền sử dụng đất vào ngân sách nhà nước. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho doanh nghiệp, để người mua nhà sớm được cấp “sổ hồng”.

HoREA còn cho hay, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Các doanh nghiệp cũng đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét cho phép nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với một tỉ lệ nhất định thông qua ủy thác cho công ty chứng khoán, các tổ chức đảm bảo năng lực bằng các hợp đồng thương mại để đầu tư trái phiếu theo quy định. Đồng thời, các nhà đầu tư mua trái phiếu là cá nhân phải có văn bản cam kết đã hiểu rõ và tự chịu trách nhiệm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cuối cùng, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng thương mại Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Kỳ Hoa | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục