Tỷ trọng ngành dịch vụ ngày càng thu hẹp, trái quy luật: Liệu có đáng lo ngại?

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thế nhưng vài năm trở lại đây, ngành ngày càng sụt giảm về số lượng doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng trong cơ cấu của nền kinh tế, khu vực du lịch, dịch vụ phải là mũi nhọn của nền kinh tế nhưng cơ cấu của khu vực – này ngày một giảm, không đúng quy luật của nền kinh tế.

Cụ thể, năm 2021, tỷ trọng của ngành này chiếm 41,2%. Tới năm 2022, ngành dịch vụ giảm xuống còn 40,5% và năm 2023 dự kiến 40,4%. Như vậy, có thể thấy, tỷ trọng ngành này chúng ta xác định là mũi nhọn nhưng mỗi ngày đang giảm đi theo từng năm.

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, thế nhưng vài năm trở lại đây, ngành ngày càng sụt giảm về số lượng doanh nghiệp. (Ảnh: TP)

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các năm 2020, 2021 đã chứng kiến sự sụt giảm chưa từng có trong khu vực dịch vụ, khiến tỷ trọng ngành dịch vụ giảm so với các từ năm 2019 trở về trước.

Nhìn theo xu hướng có thể nhận thấy tỷ trọng khu vực dịch vụ đang giảm dần. Tuy nhiên, điều này là không hoàn toàn như vậy, khu vực dịch vụ vẫn đang dần dần thoát khỏi vùng suy giảm nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư: Kể từ quý II/2020, đại dịch Covid19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng mạnh và trực tiếp vào các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành dịch vụ thị trường, chiếm tỷ trọng lớn như bán buôn bán lẻ, lưu trú ăn uống, vận tải kho bãi, hoạt động du lịch, vui chơi giải trí… khiến tăng trưởng khu vực dịch vụ suy giảm mạnh và liên tục tăng rất thấp cho đến quý III/2021 giảm 8,7%, mức giảm kỷ lục trong 30 năm trở lại đây.

Kinh tế Việt Nam duy trì được tăng trưởng dương trong năm 2020 và 2021 chủ yếu do có bệ đỡ của nền kinh tế là ngành Nông, lâm nghiệp và thủy sản và ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Do đó, cơ cấu kinh tế các năm 2020 và 2021 nghiêng nhiều về Công nghiệp.

Năm 2022, kinh tế trong nước phục hồi khá tốt với mức tăng trưởng 9 tháng đạt 8,83% và khu vực dịch vụ tăng trưởng 10,57%, cao hơn mức tăng trưởng 9,44% của khu vực Công nghiệp và xây dựng.

Nhiều ngành dịch vụ thị trường chiếm tỷ trọng lớn đang dần phục hồi mạnh mẽ; hoạt động du lịch cũng khởi sắc với số lượng khách du lịch trong nước tăng mạnh, du lịch quốc tế cũng dần dần được khôi phục trở lại.

Bên cạnh đó, theo tính toán, dù khu vực dịch vụ đang có sự tăng trưởng khá cao nhưng so với thời kỳ trước đại dịch, mức tăng trưởng này vẫn chưa đạt mức tăng bình quân của 3 năm 2016-2019.

“Do đó, trong bối cảnh tiêu dùng cuối cùng vẫn đang hồi phục, khả năng tăng trưởng của khu vực dịch vụ vẫn ở mức tích cực nên việc cải thiện tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ trong các năm tới sẽ tăng dần để trở lại với mức như trước đây, cao nhất trong 3 khu vực kinh tế và đúng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặt ra”, Bộ Kế hoạch – Đầu tư nhấn mạnh.

Việt Vũ | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục