Người trẻ hưởng ứng trào lưu “nói không với túi nilon”
Túi nilon với đặc tính bền, khó phân hủy đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái đất. Nhận thức được điều này, trào lưu nói không với túi nilon đang được rất nhiều người trẻ hưởng ứng và thực hiện.
Ngày nay, túi nilon đang được lựa chọn sử dụng rộng rãi, nhưng với nhu cầu và cách sử dụng của con người đang ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Chính vì điều đó, thực hiện triệt để việc “nói không với túi nilon” đi kèm với thay thế bằng những sản phẩm có ích và thân thiện hơn với môi trường, giảm sử dụng túi nilon, hưởng ứng trào lưu bỏ thói quen sử dụng túi nilon trong sinh hoạt hàng ngày… là những hành động đang được rất nhiều người trẻ tích cực thực hiện.
Hạn chế sử dụng túi nilon đã được gần một năm nay, anh Phạm Xuân Long (2001, Thái Bình) chia sẻ: “Một năm trước, tôi đã thử và vô cùng bất ngờ khi một lần đi chợ mang về khoảng 20 cái túi nilon, túi thì đựng rau, đựng thịt, đựng hành, tỏi… Mỗi mặt hàng được gói riêng một túi, nhiều người bán hàng còn hào phóng đựng nhiều túi cho chắc”.
“Như thường lệ, tôi gói rau, củ vào giấy báo rồi cho vào tủ lạnh, cầm trên tay một nắm nilon, tôi tự thấy mình sử dụng túi nilon như vật bất li thân và ném vào sọt rác trong vô thức. Đi tay không thì tiện thật nhưng mang về đống rác và gián tiếp hủy hoại môi trường thì không đáng…”, anh Long nói.
Chính vì điều này, anh Long đã quyết định hưởng ứng trào lưu “nói không với túi nilon” nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải. Gần một năm “nói không với túi nilon”, mỗi lần đi chợ hoặc mua đồ, anh Long đều xách theo túi cói và gần như không cần dùng túi nilon.
“Bản thân tôi từng dùng rất nhiều túi nilon, bây giờ tôi đang sống tối giản và muốn thay đổi thói quen sống, muốn lan tỏa đến mọi người cách tôi đang thay đổi mỗi ngày”, anh Long tâm sự.
Đi chợ không rác, học cách giảm thiểu túi nilon mỗi ngày là phương pháp mà chị Nguyễn Thanh Hương (SN 1992, Hà Nội) sử dụng để hưởng ứng trào lưu nói không với túi nilon được 8 tháng nay.
“Trước giờ tôi khá lười đi chợ hàng ngày nên hay mua đồ cho 1-2 tuần luôn. Lần nào đi chợ về cũng tay xách nách mang, lỉnh kỉnh đủ túi lớn, túi bé. Tôi từng ít để ý điều này, cho tới vài năm trước bắt đầu thấy lo lắng chuyện dùng túi nilon, trăn trở trước những biến đổi khí hậu, trước thiên tai, dịch bệnh. Và tôi muốn thay đổi thói quen của chính mình”, chị Hương nói.
Để làm được điều đó, chị Hương đã lên danh sách đồ cần mua mỗi lần đi chợ. Rau, củ, quả thì đựng vào túi lưới, đồ tươi sống chỉ mua đủ 1-2 ngày và chịu khó mang theo hộp đi để đựng. Vào ngày đi làm thì chịu khó dậy sớm để đi chợ thay vì đi cho cả tuần.
Không chỉ trong đời sống, việc bán các loại hàng hóa không sử dụng túi nilon cũng là những hành động hưởng ứng “nói không với túi nilon” mà nhiều người trẻ đã và đang thực hiện.
Để làm được điều này, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (SN 19940, hiện tại đang là chủ một tiệm bánh ngọt ở Quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh đã nỗ lực giảm đi tối đa bao bì nilon khi có thể. Mặc dù tốn nhiều thời gian và trữ hàng khó khăn hơn nhưng chị Yến cho biết có nhiều niềm vui hơn.
Chị Yến tâm sự: “Nỗ lực hạn chế túi nilon là một việc ko hề dễ dàng, tuy nhiên, chỉ cần mình muốn thì sẽ làm được. Việc mình sắp xếp những gói bánh vào một hộp/thùng đồ sao cho đẹp, không bị bẹp, vẫn đảm bảo gọn gàng, đặc biệt khách hàng cũng rất thích thú và đồng ý”.
“Cả một quá trình là cảm giác tôi giống như một nhà thiết kế vậy. Và dĩ nhiên sau một khoảng thời gian hì hục là một cảm giác hạnh phúc mãn nguyện với sản phẩm mình làm vì nó đã giúp tối giản đi rất nhiều bao nilon xả ra môi trường”, chị Yến nói.
Bài và ảnh:Lê Trang | Nhà báo & Công luận