Hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã trở nên khó khăn hơn vào những tháng cuối năm

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IVthuộc Hội đồng tư vấn cải cách hành chính) vừa có báo cáo Thủ tướng một số vấn đề rào cản, thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi và phát triển bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Báo cáo cho biết, doanh nghiệp ở hầu hết các ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong nửa cuối Quý IV/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với kết quả Quý III/2022.

Hoạt động doanh nghiệp khó khăn rõ rệt từ cuối quý IV

Đơn hàng cho năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đều sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng…

Vì thế, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, giảm quy mô sản xuất trong các tháng cuối năm 2022.

Chi phí đầu vào cho sản xuất xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế, điều này được cho là do: Thứ nhất, giá dầu thế giới cao, tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được tháo gỡ, khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh.

Thứ hai, tỷ giá USD/VND tăng mạnh, làm tăng chi phí đầu vào, đồng thời kéo theo sức ép lên mặt bằng giá sản xuất trong nước vì hơn 90% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.

Thứ ba, lãi suất tăng nhanh làm chi phí vốn sản xuất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cao.

Thứ tư là rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách “Zero Covid”.

Ban IV nhấn mạnh: thách thức đặc biệt lớn đối với quá trình phục hồi của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Doanh nghiệp đang ở trong tình thế cấp bách do khó khăn về dòng tiền, thiếu vốn lưu động và vốn đầu tư trung, dài hạn.

Doanh nghiệp ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh.

Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thực sự khủng hoảng vì bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình, các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền.

Doanh nghiệp nông nghiệp thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023 nên khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Đã vậy doanh nghiệp vẫn luôn gặp rào cản từ quá trình thực thi các quy định, pháp lý liên quan tới môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong quá trình thực thi quy định, chính sách, khung pháp lý đã nảy sinh một số vấn đề làm ảnh hưởng ít nhiều tới niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh”, báo cáo của Ban IV cho hay.

Đơn cử như việc hoàn thuế VAT cho các mặt hàng xuất khẩu của ngành gỗ, cao su đang gặp nhiều trở ngại với quy trình xác minh nguồn gốc phức tạp, không nhất quán cách làm giữa các địa phương, làm đọng vốn với số tiền rất lớn của doanh nghiệp.

“Sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ… khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh”, Ban IV báo cáo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vốn có nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn, không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước đang có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay. Số liệu xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm trong khi các doanh nghiệp FDI vẫn tăng 14,1%. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra những khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa hai thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Đề nghị kéo dài các chính sách hỗ trợ

Xuất phát từ các khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, Ban IV và các Hiệp hội kính đề nghị với Thủ tướng một số giải pháp khắc phục phần nào các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt để giảm sự bị động về tín hiệu thị trường và hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Đồng thời Ban IV kiến nghị kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19, như: chính sách giảm 2% thuế VAT, chính sách giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ; các chính sách tín dụng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ…

Để duy trì niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh Ban đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện.

Đồng thời tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp như nhóm thủ tục về khởi sự kinh doanh, thương mại, các thủ tục quy trình về đầu tư, thuế, …và tháo gỡ trọng tâm các kiến nghị về hoàn thuế cho doanh nghiệp ngành gỗ, cao su.

Vân Hà | Nhà báo & Công luận

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục