Tin giả ngập tràn mạng xã hội, có thể khiến doanh nghiệp sụp đổ

Những "tin đồn" không được xác thực, tin giả, thông tin sai lệch đã khiến nhiều doanh nghiệp phải lĩnh hậu quả.

Vừa qua, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều “tin đồn” về các doanh nghiệp trong nước. Một số “tin đồn” được xác định là tin giả, và một số đối tượng lan truyền tin giả đã bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, câu chuyện tin giả đang là vấn nạn của các doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu quan điểm: Tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: VGP)

Ông Tuấn cho rằng, tin giả không phải gần đây mới xuất hiện. Tuy nhiên dưới sự phát triển của mạng xã hội, nên thông tin giả được khuếch trương và tác động rất kinh khủng.

Trước đây tin đồn, tin giả cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên “một ngày đẹp trời” có một chỗ nào đấy đăng tin những tác động tiêu cực của sản phẩm của họ – chẳng hạn ăn có thể bị ung thư.

Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn là bị bắt hoặc bị bệnh tật. Có rất nhiều hình thức như vậy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.

“Không chỉ doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tin đồn thất thiệt, mà rất điển hình ở Việt Nam là nhiều nghệ sĩ nổi tiếng phải xuất hiện để đính chính rằng “tôi vẫn sống, tôi vẫn bình thường”, trong khi có nhiều tin đồn người đấy bị bệnh nặng hoặc qua đời. Hiện tượng này rất phổ biến”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn: Những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng rất lớn đến đến hoạt động của doanh nghiệp.

“Chúng ta có thể hình dung khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay”, ông Tuấn phân tích.

Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về “sức khỏe” của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động. Tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.

“Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với bóng ma”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho rằng, trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn.

Tình trạng này có thể chỉ có cơ quan chức năng với bộ máy, với kỹ thuật và thẩm quyền của mình mới có thể lần ra được nó ở đâu ra.

Tác động của tin giả đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất khủng khiếp, nó có thể làm cho một doanh nghiệp có thể sụp đổ và đằng sau đấy là rất nhiều việc làm thương hiệu đã được tạo lập rất nhiều năm.

Chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn. Đã đến lúc chính quyền và các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc một cách tích cực.

Nguyệt Hồ | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục