Mùa rươi – “lộc trời” của nông dân
“Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”, câu ca dao nói về sự no ấm của người nông dân mỗi khi mùa rươi đến. Họ xem con rươi là “lộc trời”, lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng, không có sự tranh dành.
Cánh đồng của xã Châu Nhân, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) những ngày trung tuần tháng 10 âm lịch – mùa rươi chính vụ, ánh đèn pin rọi xuống mặt nước lấp loáng như ánh sao đêm. Tiếng cười nói rộn ràng cả một triền sông.
Mùa rươi, người dân nơi đây như vào hội. Ai cũng háo hức chờ rươi nổi trên thửa ruộng nhà mình. Niềm vui, sự trông ngóng, háo hức hiện rõ trên gương mặt của những người nông dân chất phác.
Những người có kinh nghiệm nhiều năm vớt rươi cho hay, mùa rươi thường từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch, kéo dài đến tháng 11. Rươi “mọc” theo kỳ trăng, mỗi tháng 2 lần, vào đầu và giữa tháng. Thời điểm rươi “mọc”, họ cầm theo vợt, rổ, rá, chậu… ra thửa ruộng của gia đình để vớt rươi.
Rươi được xem là “lộc đất”, lộc vào ruộng ai, người ấy hưởng. Tuy vậy, cả cánh đồng rộng lớn không phải ruộng nào cũng có rươi. Dù hên xui vậy nhưng nhà nào cũng chuẩn bị kỹ cho mùa đón lộc. Họ cũng không tranh giành nhau.
Theo bà Phạm Thị Trâm, trú xã Châu Nhân để có thể thu hoạch được rươi chúng tôi thường rào quanh ruộng của mình bằng lưới, đào “trẹm” dẫn nước từ ngoài sông vào ruộng. Khi rươi “mọc”, họ sẽ tháo nước ra. Rươi theo dòng chảy tụ vào hố nước trước cửa “trẹm” , người dân chỉ cần lấy vợt để xúc.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng khá vất vả bởi người vớt phải cúi khom lưng trong thời gian dài, nhanh tay vợt rươi, tránh rươi lao vào lưới chắn hay theo dòng nước trôi ra ngoài mương. Hơn nữa, khi thu hoạch phải rất cẩn thận bởi nếu chỉ hơi mạnh tay, rươi sẽ bị dập, vỡ bụng, mất bột, mất luôn giá trị của rươi.
Người dân nơi đây cho hay con rươi lên không có giờ giấc nhất định nên chủ ruộng phải canh, chờ rươi nổi là bắt ngay. Rươi sau khi bắt lên được thương lái thu mua tận ruộng. Hiện nay, giá rươi có giá khoảng 400 nghìn đồng/kg. Vào mùa rươi có hộ gia đình kiếm được tiền triệu.
Ông Võ Văn Quế cho hay, dù năm nay rươi không được mùa, nhưng mỗi đêm gia đình ông cũng thu được ít cân. Với giá khoảng 400 nghìn đồng/kg, số rươi này đã mang lại cho gia đình ông khoản tiền lớn. Ông Quế vui vẻ: “Một cân rươi bằng cả tạ thóc. Dù giá rươi khi lên khi xuống nhưng thu nhập từ rươi lớn gấp nhiều lần so với cấy lúa”.
Trước đây rươi được thu hoạch để làm thức ăn hay làm mắm (ruốc) ăn dần. Khoảng 15 năm trở lại đây, rươi trở thành đặc sản, được các nhà hàng chế biến thành nhiều món ăn ngon. Giá rươi vì thế cũng tăng gấp nhiều lần, trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình nơi đây.
Một điều đặc biệt là rươi không gây giống hay nuôi được. Con rươi chỉ xuất hiện tự nhiên và rộ lên trong vài con nước ở những thời điểm nhất định. Việc rươi từ đâu đến, ăn gì… không ai hay biết. Vì thế, người dân chỉ biết bảo nhau tạo môi trường sống tốt hơn cho rươi.
Ông Quế chia sẻ: “Con rươi chỉ sống trong môi trường sạch. Nếu môi trường ô nhiễm, rươi sẽ chết và những năm sau không xuất hiện nữa. Vì thế, chúng tôi chỉ cấy 1 vụ lúa và xác định trồng trọt thuận theo tự nhiên. Cây lúa cho thu hoạch thì tốt, nếu lúa hỏng hay bị sâu bệnh thì dập đi làm phân bón ruộng chứ không phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ hay bón phân hóa học để rươi còn ở lại”.
Cứ vậy, suốt nhiều năm nay mỗi năm hai lần, người dân nơi đây lại làm cỏ, cày bừa, bón ruộng bằng trấu, phân gia súc đã ủ nửa năm để đất tơi xốp, tạo điều kiện cho rươi sinh sôi, nảy nở. Con rươi “cho” người làng tiền, lại cho cả sức khỏe bởi nhờ chúng mà người dân nơi đây có ý thức gìn giữ môi trường, không khí trong lành.
Đêm khuya, giữa tiết trời se lạnh, trên cánh đồng rươi, người dân vẫn miệt mài với con “rồng đất” của làng.
Bài và ảnh: Thảo Nguyên | Nhà báo & Công luận