Sức ép của công ty tài chính trong thị trường “vàng thau lẫn lộn”
Trên thị trường tín dụng chỉ có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép nhưng có hàng nghìn ứng dụng cho vay phi chính thức “đội lốt” gây hiểu lầm cho cộng đồng. Điều này tạo nên sức ép lớn cho các công ty tài chính tiêu dùng chính thức tiếp cận khách hàng vay lẫn thu hồi nợ hết sức khó khăn bởi liên tục chịu tiếng oan.
Những khái niệm về mô hình hoạt động chồng chéo, đánh tráo, những thủ đoạn lừa đảo, mạo danh tinh vi từ các tổ chức cho vay phi chính thức xuất hiện ngày một nhiều. Đó là lý do các đơn vị tài chính tiêu dùng uy tín khó được nhận diện rõ ràng trong một thị trường có độ nhiễu lớn như vậy.
Áp lực giữa “ma trận” app mạo danh
Từ mục tiêu ban đầu là kênh cấp vốn nhanh và hiệu quả cho người yếu thế đến nay thị trường cho vay tiêu dùng đang bị “làm loạn” bởi thủ đoạn mạo danh của hàng ngàn ứng dụng cho vay. Hiện nay, đã xuất hiện nhiều công ty tài chính “tự xưng” được cấp phép hoạt động bởi Sở kế hoạch đầu tư của các tỉnh theo Luật Doanh nghiệp. Đây là hình thức phổ biến để lách qua các quy định về cấp phép và hoạt động dưới sự kiểm soát của NHNN theo luật tín dụng.
Từ đó các tổ chức này (thực chất là tín dụng đen) hoạt động núp bóng app cho vay bằng những tên gọi dễ gây nhầm lẫn với các công ty tài chính tiêu dùng chính thức. Các đối tượng này sử dụng những thuật ngữ chung chung như công ty tài chính hay yếu tố nhận diện chung như gắn thêm chữ “credit” thậm chí là sử dụng nội dung, thông điệp quảng cáo của các đơn vị được cấp phép để tiếp cận khách hàng.
Chưa có cơ chế quản lý và hành lang pháp lý rõ ràng nên các ứng dụng này dễ đầu tư, là lựa chọn của hầu hết các các nhóm có tiền mặt nâng cấp và hệ thống lại mô hình cho vay “nóng” của mình. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.
Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác. Cơ quan chức năng cũng không thể đóng các app này do cơ chế cài dặt trên nền tảng iOS và Android.
Sự mạo danh này đẩy các công ty tài chính chính thức này vào trạng thái “trăm dâu đổ đầu tằm”. Những thương hiệu được các đối tượng này sử dụng mạo danh nhiều nhất thường là các doanh nghiệp có mức độ phổ biến và thị phần lớn như FE Credit, VietCredit, HD Saison… Điều này khiến người dân dễ nhầm lẫn và phần lớn phỏng đoán, suy diễn các hoạt động cho vay tài chính đều liên quan đến các đơn vị này.
Đại diện FE Credit cho biết, không chỉ riêng FE Credit mà các công ty tài chính được cấp phép đều hết sức đau đầu khi lạc trong “ma trận” của sự mạo danh thương hiệu.
“Sức ép lớn nhất là nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự cả tin của người dân để dụ dỗ cho vay sau đó lại xưng danh công ty tài chính để đòi nợ bằng những hành vi thiếu chuẩn mực. Điều này khiến nhiều người dân lo sợ, mất lòng tin và không dám lựa chọn vay vốn từ các công ty tài chính. Không những vậy, một bộ phận người dân còn lôi kéo, rủ rê nhau “bùng nợ”, khiến hoạt động thu hồi nợ của công ty gặp càng nhiều khó khăn”, vị này cho hay.
Định vị lại công ty tài chính chuẩn mực
Công ty tài chính tiêu dùng cho vay ở phân khúc người dân không đủ điều kiện để tiếp cận với chuẩn mực của ngân hàng thương mại, thậm chí là chưa từng có lịch sử tín dụng. Đặc điểm cho vay với giá trị nhỏ, thời gian vay ngắn, thời gian phê duyệt nhanh để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân. Với quy mô nhỏ và tính thanh khoản cao nên mô hình này dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng để mạo danh làm lũng đoạn thị trường.
Tại hội thảo mới đây, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết: “Hiện nay, xã hôị đang có sự lẫn lộn, người dân không phân biệt đâu là chính thức, đâu là phi chính thức. Thậm chí đâu là vi phạm pháp luật. Cũng có nhiều công ty có tên là tài chính thành lập cấp phép đầu tư theo chính quyền tại địa phương nhưng không được cấp phép tiền tệ ngân hàng và không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, lại tham gia cho vay qua app để lại nhiều hệ lụy”.
Phó Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vi cần phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác. Trên cơ sở đó, đánh giá làm rõ được các vần đề có thể phát sinh và đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực để ngăn ngừa tín dụng đen.
Đại diện một công ty tài chính cho rằng, bản thân những người yếu thế trong xã hội gặp nhiều hạn chế trong nhận thức về tài chính tiêu dùng cũng như tài chính nói chung. Để phân biệt tài chính chính thống và tài chính phi chính thống các bộ ngành cần có sự phối hợp liên thông chặt chẽ, tạo ra “gọng kìm” để đưa khái niệm tài chính chính thống đến với người dân, giúp người dân nắm bắt và nhận thức rõ ràng.
Trong khi đó về phía các công ty tài chính tiêu dùng cũng hướng đến việc xây dựng mô hình chuẩn chỉnh. Tiếp cận khách hàng cả cho vay lẫn thu hồi nợ theo một quy trình thống nhất, thái độ đúng mực, hướng đến các tiêu chuẩn về tín dụng bền vững.
Cụ thể, trong nỗ lực khắc phục tình trạng rối loạn của thị trường, FE Credit đã chủ động xây dựng được tiêu chí hoạt động chuẩn mực và mang tính hệ thống hơn. Điều tiên quyết là không có các hành vi bôi nhọ danh dự khách hàng trên mạng xã hội để thu hồi nợ.
Tiếp đó là nâng cấp các app cho vay theo hướng bảo mật và an toàn hơn. Sử dụng số điện thoại định danh FE Credit để liên hệ với khách hàng. Hoàn hệ thống chăm sóc khách hàng, ban hành quy chế nghiêm ngặt trong việc quản lý và xử lý nhân viên vi phạm, thậm chí với các nhân viên sai phạm, cấp quản lý trực tiếp cũng sẽ bị liên đới trách nhiệm.