Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng: Giải pháp nào?

Trẻ em, những công dân tương lai của kỷ nguyên số, được sinh ra trong thời kỳ bùng nổ của internet, hoạt động internet trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Song, đây cũng là đối tượng dễ tổn thương, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang là bài toán chung của gia đình, các tổ chức và chính phủ.

Nhiều rủi ro bao trùm không gian mạng

Không gian mạng, Internet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời của cuộc sống, đặc biệt đối với trẻ em là những đối tượng đang sử dụng công nghệ vào trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng cũng ngày càng xuất hiện nhiều cạm bẫy khó lường.

Sự phát triển nhanh về công nghệ cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt cho nhóm đối tượng là trẻ em – vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu là trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet.

Theo báo cáo của tổ chức quốc tế (NCMEC) năm 2021, Việt Nam là một trong những nước trong khu vực ASEAN có nhiều báo cáo nhất về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Trong Báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ em là học tập; vui chơi giải trí và kết nối liên lạc với bạn bè người thân. Đáng lưu ý, báo cáo khảo sát cũng đưa ra thông tin 49% trẻ em sử dụng internet để chơi điện tử ít nhất 1 tuần/lần. Thực tế đó cho thấy, không gian mạng đang có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của trẻ em.

Internet phát triển bùng nổ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ đối với trẻ em hằng ngày tiếp xúc trên không gian mạng. Ảnh minh họa

Theo bà Đinh Thị Như Hoa – Trưởng phòng Kiểm định – Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam – Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT, rủi ro tiềm ẩn với trẻ em trên mạng có thể kể đến những vấn đề sau: Trẻ em bị ảnh hưởng bởi các tin không đúng sự thật, phim ảnh, trò chơi bạo lực khiêu dâm dẫn đến nhận thức sai lệch, bắt chước làm theo, tâm lý hung hăng làm lệch lạc lối sống, sự phát triển.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nên dễ bị lừa, bị lợi dụng đánh cắp thông tin cá nhân, dữ liệu, đánh cắp được dữ liệu của gia đình; chẳng hạn như các lớp học trực tuyến, các em có thể bị lừa vào các trang học trực tuyến giả mạo, các link về các khóa học, các ứng dụng học tập miễn phí, giảm giá từ đó cài mã độc vào trong các máy tính, hệ thống để đánh cắp dữ liệu.

Bà Đinh Thị Như Hoa cho biết, thực tế cho thấy đã có nhiều em bị đe dọa, bắt nạt, quấy rối, khủng bố tinh thần, uy hiếp bắt ép thực hiện hành động phi pháp. Bên cạnh đó rất nhiều em nhỏ sử dụng quá mức và nghiện Internet.

Xây dựng cơ chế ngăn chặn dữ liệu, thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 830/TTg-CP về Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành một Chương trình ở cấp quốc gia riêng vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo đảng và nhà nước trong công tác bảo vệ bí mật đời sống riêng tư và ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em.

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, ngay khi Quyết định 830/TTg – CP được ban hành, các bộ ngành, địa phương đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai, phân công đầu mối phối hợp. Đến nay 100% địa phương trên cả nước đã cử đầu mối phối hợp; hơn 50% địa phương đã có kế hoạch triển khai chi tiết. Rất nhiều các hoạt động bảo vệ và hỗ trợ trẻ tương tác lành mạnh trên môi trường mạng được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước, tiêu biểu có các cuộc thi Học sinh với An toàn thông tin; cuộc thi sáng tạo ý tưởng game bảo vệ trẻ em…

Ba Bộ gồm: Bộ Công An; Bộ Lao động, thương binh và xã hội; Bộ TT&TT đã ký kết quy chế phối hợp trong xử lý các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Mạng lưới Ứng cứu về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng do Cục An toàn thông tin thường trực ra mắt tính năng báo cáo xâm hại trẻ em trên môi trường mạng…

“Trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, quy định điều phối các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện ngăn chặn dữ liệu, thông tin xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; các các giải pháp kỹ thuật, quản lý nhằm thực hiện tốt hơn các hoạt động phát hiện sớm, ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung độc hại dành cho trẻ em.

Song song với đó sẽ triển khai các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy việc phát triển hình thành Hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam trên môi trường mạng đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của trẻ em và của toàn xã hội trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, bà Như Hoa cho biết.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng

Theo truyền thống của người Việt Nam, đối với gia đình thì sự phát triển của trẻ em là phúc đức của gia đình, dòng họ. Đối với đất nước thì sự phát triển của trẻ em là vận mệnh, là tương lai hùng cường, hay sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc. Do đó, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là rất cần thiết, cấp thiết và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đặc biệt là tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” hay “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Vậy thì các rủi ro tiềm ẩn và hiện hữu đối với trẻ em hiện nay là đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, học tập và tương lai của chúng.

Bà Đinh Thị Như Hoa nhận định, công tác truyền thông về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được một số cơ quan báo chí triển khai trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em. Khi Chương trình bảo vệ trẻ em tại nước ta được chính thức ban hành thì công tác này được triển khai rộng hơn. Số lượng cơ quan báo chí, truyền thông và phương tiện thông tin đại chúng tham gia truyền thông các vấn đề về bảo vệ trẻ em nhiều hơn, xuất hiện đa dạng hơn.

Tuy nhiên, theo thực trạng là chưa đủ. Bởi việc truyền thông có hiệu quả phải được truyền tải đúng nội dung đến từng đối tượng. Công tác tuyên truyền mới chỉ về các tin tức, sự kiện ở cấp vĩ mô, còn ít các tin, bài về các hoạt động thực tế tại các cơ sở, cụ thể là thiếu các hoạt động cụ thể tại các nhà trường, các tổ chức đoàn – đội – hội. Thiếu các chuyên đề chuyên sâu và cụ thể cho vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

“Báo chí có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền về các vấn đề của trẻ em trên môi trường mạng. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, báo chí cần được trang bị nhiều hơn về kiến thức và chia sẻ các giá trị đạo đức trong truyền thông để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng”, bà Như Hoa khẳng định.

Phan Hoài Giang | Nhà báo & Công luận

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục