Giải bài toán ma trận phương thức tuyển sinh đại học 2023: Quản hay cấm!?
Theo các chuyên gia, trong tuyển sinh đại học không nên tồn tại quá nhiều phương thức tuyển sinh mà nên hạn chế bớt những phương thức, tổ hợp tuyển sinh thiếu khoa học, chỉ để “vợt” thí sinh.
Nhiều phương thức, thiếu công bằng
Năm 2022, các trường đại học sử dụng 20 phương thức tuyển sinh. Các phương thức xét tuyển chủ yếu như:
Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét kết quả học tập cấp THPT (học bạ); Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8);
Thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển;
Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển; Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài;
Xét tuyển qua phỏng vấn; Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với phỏng vấn để xét tuyển; Kết hợp kết quả học tập cấp THPT với với phỏng vấn để xét tuyển….
Khi các trường áp dụng các phương thức tuyển sinh này vào thực tế thì cho ra nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, giống như một ma trận.
Về lý thuyết, nhiều phương thức tuyển sinh sẽ tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn hơn cho thí sinh. Tuy nhiên, do tình trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi trường áp dụng một cách nên xảy ra tình trạng phụ huynh và học sinh bị rối, đăng ký sai.
Hiệu quả tuyển sinh không giống nhau
Phân tích từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy có 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học cao nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển thẳng theo đề án của trường, xét theo bài thi đánh giá năng lực và phương thức khác. Trong đó, hơn 50% số lượng thí sinh nhập học theo phương thức xét điểm thi THPT vào các trường. 5 phương thức có số lượng thí sinh nhập học thấp nhất gồm: Xét qua phỏng vấn, xét thí sinh tốt nghiệp THPT ở nước ngoài, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, thi văn hoá ở các trường. |
Một số thí sinh điểm cao tuy nhiên không đậu theo nguyện vọng vì các trường đã hết chỉ tiêu tuyển sinh do tình trạng tuyển sinh sớm, sử dụng các tổ hợp tuyển sinh được cho là thiếu tính cạnh tranh, công bằng.
Đánh giá về việc này, theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), trong năm 2022 có khoảng 620.000 thí sinh tham gia xét tuyển đại học. Hệ thống đã ghi nhận gần 400.000 thí sinh được các trường công bố đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy chỉ 35% trong số này đặt ngành đã trúng tuyển sớm ở nguyện vọng một; 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp.
Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh “như bị đánh đố”. Nhiều phương thức có tên gần giống nhau khiến một số thí sinh chủ quan, nhầm lẫn khi đăng ký.
“Khánh Nam (trú tại Quảng Ngãi) đã hai lần gửi thư đến Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo mong được giúp đỡ vì đăng ký nhầm, từ xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ IELTS thành kết hợp kết quả học tập THPT (học bạ) với chứng chỉ IELTS.
Không chỉ gây khó khăn cho thí sinh mà việc có quá nhiều phương thức còn gây rắc rối cho toàn hệ thống. Đề nghị từ năm sau, các trường cân nhắc số lượng phương thức tuyển sinh và công bố sớm”, bà Nguyễn Thu Thuỷ bày tỏ.
Bàn về đổi mới thi cử trong năm 2023, bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, quy chế tuyển sinh đại học 2023 và các năm tiếp theo cơ bản giữ ổn định như 2022, nhưng được tăng cường giải pháp về mặt kỹ thuật.
Bộ cũng sẽ nâng cấp hệ thống lọc ảo chung, nhằm giảm sai sót, nhầm lẫn. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đang cân nhắc tuyển sinh đại học vào một đợt, tránh việc tuyển sinh sớm.
Quản hay cấm?
Trước đề xuất không cho các trường đại học tuyển sinh sớm, nhiều chuyên gia lo ngại sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của từng trường đại học.
Nêu quan điểm về vấn đề này, theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc xét tuyển sớm đã trở thành thông lệ, vì vậy, Bộ nên tạo điều kiện để các trường được xét tuyển sớm (sau này tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ chỉ là điều kiện cần bổ sung) với cam kết thực hiện rõ ràng, công khai, minh bạch.
Nhiều phương thức thiếu công bằng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng. Đặc biệt, khi nhìn phổ điểm, đối sánh giữa phương thức dựa trên học bạ và điểm tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch đáng kể. Do đó, các trường hết sức cân nhắc trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển, đảm bảo hiệu quả, tin cậy, công bằng giữa các thí sinh. |
Thầy Nguyễn Đinh Đức phân tích: Việc xét tuyển sớm vừa có ý nghĩa với cả thí sinh, vừa tạo nhiều thuận lợi trong công tác tuyển sinh của cơ sở đào tạo.
Những học sinh ưu tú sẽ có thời gian để cân nhắc và đưa ra lựa chọn hợp lý nhất, tốt nhất cho bản thân mình.
Trong khi đó, trường đại học sẽ xem xét thật kỹ được hồ sơ của từng thí sinh, có những bài thi tuyển, đánh giá năng lực riêng, như vậy khâu tuyển sinh được triển khai kỹ càng và hiệu quả hơn.
Vì việc xét tuyển sớm chủ yếu là xét tuyển những học sinh giỏi, thực hiện một cách minh bạch và khách quan, giúp các trường chọn và “giữ chân” được những thí sinh có chất lượng đầu vào tốt.
Cũng theo chuyên gia này, xét tuyển sớm cũng là xu hướng chung của nhiều trường đại học trên thế giới, nhằm không gây quá tải cho hệ thống tuyển sinh của các trường.
Ngoài kết quả học bạ, cơ sở đào tạo chủ động kết hợp tổ chức phỏng vấn, tổ chức các bài thi đánh giá năng lực, năng khiếu,… để lựa chọn được thí sinh phù hợp, triển khai tuyển sinh theo hướng này là rất tốt, và phù hợp với Luật Giáo dục đại học.
“Nếu yêu cầu không xét tuyển sớm với mọi phương thức tuyển sinh là gây áp lực không cần thiết đối với cơ sở đào tạo.
Bộ GD&ĐT không nên quản lý hành chính một cách cứng nhắc và cần đảm bảo quyền tự chủ của các trường đại học trong tuyển sinh”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Đối với đề xuất loại bỏ những phương thức không hiệu quả, gây nhiễu cho thí sinh và hệ thống xét tuyển, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng có tình trạng nhiều phương thức tuyển sinh không chất lượng, không đánh giá được đúng năng lực thí sinh.
Bên cạnh đó còn xuất hiện quá nhiều tổ hợp tuyển sinh không cần thiết.
Trong khi điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông một số môn học cũng không thực chất. Các trường sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh và quá nhiều tổ hợp xét tuyển giống như “vợt” đủ thí sinh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng thay vì quản lý hành chính hoạt động tuyển sinh của trường đại học, Bộ GD&ĐT nên “cầm trịch” về chất lượng, giảm bớt một số phương thức tuyển sinh không hiệu quả, chỉ đạo trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong thời gian qua để quay lại với những phương thức tuyển sinh cơ bản.
Trinh Phúc | Nhà báo & Công luận