Chương trình song bằng: Học sinh thiếu thời gian cho các hoạt động ngoại khóa

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội - ông Phạm Xuân Tiến, học sinh tham gia Đề án học song bằng phải học đồng thời hai chương trình nên lịch học trong tuần khá dày.

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết giai đoạn thực hiện đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp trung học phổ thông.

Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng tú tài Việt Nam và tú tài Anh quốc cấp trung học phổ thông là mô hình mới trong việc thí điểm đào tạo tích hợp giữa chương trình phổ thông Việt Nam với chương trình quốc tế tại trường trung học công lập.

Học song bằng ở bậc THPT đang thí điểm nhưng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Với mục đích đào tạo nguồn nhân lực “Công dân toàn cầu”, đề án đáp ứng các tiêu chí xã hội hóa cũng như nhu cầu của xã hội, tiệm cận nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, từ năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thí điểm đào tạo chương trình song bằng THPT quốc gia Việt Nam và A-Level của Anh quốc tại Trường THPT Chu Văn An.

Đây là trường công lập đầu tiên trên cả nước triển khai dạy chương trình nâng cao Cambridge. Trong năm học 2018-2019, thành phố tiếp tục có 6 trường THCS và trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam triển khai chương trình song bằng.

Học sinh tham gia Đề án được đánh giá cao về mặt bằng chung kiến thức, Tiếng Anh vượt trội, có năng lực tư duy và kỹ năng tốt.

100% học sinh các khóa học của Đề án đã và đang theo học đều có kết quả học lực giỏi và hạnh kiểm tốt.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, học sinh đều có kỹ năng xã hội tốt, năng động, thành thạo ngoại ngữ, tin học. 100% học sinh hệ song bằng khóa I, II, III đều đã tốt nghiệp THPT theo đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho hay, tuy đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ nhưng trong quá trình triển khai Đề án, các nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, bất cập.

Về đội ngũ nhân sự, các trường đều thiếu giáo viên giảng dạy chương trình THPT Việt Nam tại các lớp thuộc hệ song bằng.

Việc tuyển chọn giáo viên nước ngoài đáp ứng yêu cầu pháp lý và chuyên môn của chương trình tương đối khó khăn, chưa đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh và học sinh.

Về chương trình giảng dạy, học sinh tham gia Đề án phải học đồng thời hai chương trình nên lịch học trong tuần khá dày, khối lượng kiến thức khá lớn, khiến học sinh thiếu thời gian cho các họat động ngoại khóa, phát triển thể chất và một số kỹ năng khác.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhận định đây là một chương trình khó nhưng thời gian qua đã được triển khai tốt và có những kết quả ấn tượng.

Nhấn mạnh giáo dục có 3 chức năng là phát triển xã hội, phục vụ xã hội và phúc lợi xã hội, Thứ trưởng cho rằng đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng cấp trung học phổ thông chính là đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Thứ trưởng yêu cầu Sở GD&ĐT phải rà soát lại toàn bộ chương trình, gồm chương trình GDPT 2018 và chương trình Cambridge để có chương trình chung phù hợp với mục tiêu đặt ra của Đề án.

Sở GD&ĐT cũng phải sớm hoàn thiện đánh giá toàn bộ nội dung của Đề án đã được triển khai trong thời gian qua bao gồm cả những kết quả đạt được cũng như chưa đạt được để trình lên các cấp, tham mưu tiếp tục Đề án.

Thứ trưởng đề nghị, song song với việc đào tạo hệ song bằng phải bồi dưỡng giáo viên và cố gắng đào tạo nhân sự tại chỗ, giúp đội ngũ nâng cao năng lực cũng như lan tỏa sang các lớp không phải song bằng để tiếp cận với chương trình quốc tế.

Sở GD&ĐT có thể mở rộng các lớp tập huấn cho giáo viên các trường. Trước đây chúng ta phải ra nước ngoài để học tập thì bây giờ đã có những mô hình trường mẫu mực ngay tại Việt Nam, do đó, đây được xem là những điển hình nên được nhân rộng trên cả nước.

Trinh Phúc | Nhà báo & công luận

NguồnNhà báo & công luận
Bài cùng chuyên mục