Lãi suất huy động tăng hay giảm?

Các ngân hàng thương mại đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động từ cuối tháng 12/2022. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới được công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất lại tăng.

Lãi suất bình quân tăng

Theo dữ liệu trong “Diễn biến lãi suất của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 11/2022” do Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,1- 5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,8-6,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,7- 7,0%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,2- 6,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Trong tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất huy động. Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận đưa mặt bằng lãi suất xuống dưới 9,5%/năm và nhận được sự hưởng ứng lớn.

Lãi suất tiền gửi bình quân tháng 12/2022 đạt 6,2-7,6%/năm, tăng đến 0,7% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng. Ảnh minh họa

Vì vậy, lãi suất huy động trong tháng 12/2022 được tin rằng sẽ giảm sâu.

Tuy nhiên, mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố “Diễn biến lãi suất của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 12/2022”. Theo đó, lãi suất bình quân thay vì giảm lại có xu hướng tăng.

Cụ thể, trong tháng 12/2022, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng tương mại trong nước ở mức 0,2- 0,6%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn (giữ nguyên so với tháng 11/2022) và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,3- 5,8%/năm (tăng 0,2%) đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 6,2-7,6%/năm (tăng đến 0,7%) đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng ; 6,0-7,4%/năm (tăng 0,3%-0,4%) đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9- 7,2%/năm (tăng 0,7%) đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Đây là con số bình quân. Trên thực tế, có nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất cao hơn khá nhiều so với mức bình quân này. Lãi suất tại Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) là 10%/năm và gần 11%/năm.

Lãi suất cho vay cũng tăng

Khi lãi suất huy động được tin là hạ nhiệt, lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm theo. Nhưng trên thực tế, mặt bằng lãi suất cho vay lại có xu hướng tăng trong tháng 12/2022.

Theo dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố, trong tháng 12/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm, tăng từ 0,2% đến 0,4% so với tháng 11/2022; Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, tăng 0,2%, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (5,5%/năm).

Lãi suất cho vay ở mức 9,0-10,7%/năm là con số bình quân. Trên thực tế, một số lĩnh vực có lãi suất cho vay rất cao. Bất động sản là ví dụ điển hình.

Trong tháng 12/2022, lãi suất cho vay mua nhà khá ổn định, rất ít ngân hàng điều chỉnh. Trong đó, mức cao nhất vẫn là 13% thuộc về ngân hàng Hong Leong Bank. UOB (10,7%/năm). Techcombank (10,59%/năm), Woori Bank (10%/năm).

Shinhan Bank là một trong những đơn vị hiếm hoi tăng lãi suất cho vay mua nhà từ 8,2%/năm lên 10,9%/năm.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu cơ quan này chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động tín dụng, ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, các đối tác liên quan.

Hoàng Tú | NB&CL

Nguồn Nhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục