Nhiều doanh nghiệp xin gia hạn thời gian trả nợ, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục thu hẹp

Trước áp lực về thanh khoản, nhiều doanh nghiệp đã và đang phải xin lùi thời gian trả nợ trái phiếu.

Trong tháng đầu năm 2023, những sóng gió trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được bộc lộ. Tình hình kinh doanh khó khăn, kết hợp với việc tín dụng bị thắt chặt, thị trường vốn diễn biến không tích cực đã khiến nhiều đơn vị bị mất thanh khoản và phải xin hoãn, lùi thời hạn trả nợ trái
phiếu.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của CTCP Xuất nhập khẩu An Giang – Angimex (Mã AGM) thông báo việc mất khả năng thanh toán lãi đối với 2 lô trái phiếu mã AGMH2123001 và AGMH2223001. Trong đó, lô trái phiếu AGMH2123001 được phát hành vào ngày 9/11/2021 với giá trị 350 tỷ đồng. Lô trái phiếu AGMH2223001 được phát hành vào ngày 14/3/2022 với trị giá 300 tỷ đồng.

Nhiều doanh nghiệp xin hoãn, gia hạn thời gian trả nợ trái phiếu (Ảnh TL)

AGM thậm chí đã phải tổ chức Hội nghị Trái chủ để xin ý kiến cũng như trình phương án xử lý đối với hai lô trái phiếu kể trên. Lý do được đưa ra cho việc mất thanh khoản là bởi công ty đã gặp khá nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của Angimex âm tới 35 tỷ đồng cho thấy rằng việc đơn vị này có thể trả lãi cho các lô trái phiếu gần như là điều không thể.

Trong hội nghị trái chủ, Angimex đã trình phương án dự kiến xử lý một số tài sản đảm bảo trái phiếu (chủ yếu là quyền sử dụng đất), vay trong hoặc dài hạn, thanh lý tài sản không cần dùng, các kho bãi đang dừng hoạt động để lấy tiền trả nợ trái phiếu.

Một đơn vị khác cũng bị mất thanh khoản đó là CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) với khoản nợ gốc và lãi phải thanh toán tại thời điểm cuối tháng 12/2022 là gần 181 tỷ đồng. Trong đó bao gồm tiền gốc 117 tỷ đồng, lãi chiếm 64 tỷ đồng. Đây là lô trái phiếu mã 30122017-01 phát hành vào ngày 30/12/2017, đáo hạn vào ngày 30/12/2022 với tổng cộng 134 trái phiếu, mỗi trái phiếu trị giá 1 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, kỳ hạn thanh toán 6 tháng/lần.

Về việc hoãn trả nợ trái phiếu, Đức Long Gia Lai đã có văn bản xin lùi thời gian trả nợ. Phía công ty cho biết đang đầm phán và thỏa thuận với trái chủ để gian hạn, kéo dài thời gian trả nợ gốc và lãi do tình hình kinh doanh, sản xuất gặp nhiều khó khăn, lãi suất cao cùng tín dụng bị siết chặt đã gây ảnh hưởng tới dòng tiền của Đức Long Gia Lai.

Dù chưa mất thanh khoản hoàn toàn nhưng một số doanh nghiệp cũng đã phải xin dời thời hạn thanh toán, gián nợ. Như trường hợp của CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) vừa qua cũng đã phải công bố nghị quyết về việc dời kế hoạch thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu VC2H2122001 thêm 1 năm.

Dữ liệu thống kê từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, trong năm 2023 sẽ có tổng cộng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Tính riêng trong tháng 01 có tới 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn với tỷ trọng lớn nhất thuộc về nhóm doanh nghiệp bất động sản, chiếm 10.500 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 60%. Nhóm doanh nghiệp xây dựng chiếm 5.900 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 34%.

Sự khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn được thể hiện qua thống kê cho thấy trong tháng 01 năm 2023, chưa có một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được tổ chức. Sự ảm đạm của thị trường càng cho thấy khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn để đảm bảo thanh khoản.

Về dự báo đối với thị trường chứng khoán doanh nghiệp, Chứng khoán Vietcombank – VCBS nhận định rằng trong năm 2023, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục thu hẹp. Lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong khi nghị định 65 cũng đã hạn chế phần nào lượng phát hành trái phiếu mới. Chi phí phát hành ở mức tương đối cao cùng với lượng trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại cũng sẽ làm giảm quy mô của thị trường.

Theo dự báo của VCBS thì khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023 sẽ là khoảng 250.000 tỷ đồng, giảm hơn so với Quý 3 năm 2022 chủ yếu là bởi lượng trái phiếu được mua lại trước hạn tương đối lớn, diễn ra trong Quý 4 năm 2022.

Một yếu tố khác cũng gây ảnh hưởng tới quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đó là mặt bằng lãi suất cao gây ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân khiến cho hoạt động mua bán trái phiếu có thể sẽ càng trở nên trầm lắng hơn trước.

Du Uyên | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục