Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu các biện pháp để hạn chế bạo lực học đường

Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị cần có những giải pháp, biện pháp xử lý đối với vấn nạn bạo lực học đường, tránh những rủi ro gây ra hậu quả.

Theo đó, cử tri TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) và các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, nhà trường cần có những giải pháp, biện pháp xử lý đối với vấn nạn bạo lực học đường, tránh những rủi ro gây ra hậu quả nặng nề cho học sinh, gia đình và cộng đồng.

Đồng thời, nhiều ý kiến cử tri cho rằng, các chương trình giáo dục cần tăng cường các chuyên đề về kỹ năng thực hành xã hội, giáo dục tình yêu thương con người, quý trọng sức khỏe, sinh mạng.

Nhiều vụ việc bạo lực học đường gây nên bức xúc trong dư luận (ảnh nguồn internet).

Trả lời về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho rằng, để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, Bộ đã và đang thực hiện các giải pháp như tiếp tục quán triệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, có kiểm tra và đánh giá các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bộ GD&ĐT cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”, Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 – 2025”.

Đồng thời Bộ đã ban hành các thông tư, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành giáo dục.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện Bộ đang lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, hoạt động trải nghiệm và các môn học khác.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng “Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và xâm hại tình dục” dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học;

Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục xây dựng Sổ tay “Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh”, Tài liệu Tuyên truyền cho gia đình học sinh về ứng xử văn hóa, hướng dẫn công tác phối hợp, chia sẻ thông tin về phòng ngừa bạo lực học đường, Sổ tay hướng dẫn tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, Sổ tay thực hành công tác xã hội trường học,…

Bộ GD&ĐT thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương, UBND các tỉnh/thành phố và chỉ đạo các Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật; kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường cho học sinh;

Tăng cường Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em;

Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/07/2017 của Chính phủ Quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Quyết định 1863/QĐ-TTg ngày 23/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025;

Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 – 2030”;

Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”;

Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 – 2025”;

Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học…

Thời gian qua, trong ngành giáo dục đã triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường trong việc phòng ngừa và tư vấn, hỗ trợ cho học sinh liên quan đến bạo lực học đường.

Phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đội TNTP Hồ Chí Minh trong trường học để xây dựng môi trường giáo dục nề nếp, kỷ cương và tổ chức các hoạt động giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh (kỹ năng tự bảo vệ bản thân, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường,…).

Phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường.

Phối hợp với Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội về phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đến năm 2025.

Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực trong mối quan hệ của mỗi thành viên trong cơ sở giáo dục đối với người khác, đối với môi trường xung quanh và đối với chính mình. Phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh.

Tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội để hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh; phát huy vai trò của gia đình trong quản lý giáo dục học sinh.

Thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh; Nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về đạo đức nhà giáo, tư vấn tâm lý, năng lực kiểm soát cảm xúc cá nhân và kỹ năng ứng xử, giải quyết các tình huống sư phạm.

Trinh Phúc | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục