“Cắm đầu cắm cổ” thi đại học vào các ngành “hot”: Liệu có đáng?

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không có ngành nào hot cả, làm nghề nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì bạn đấy mới là người hot.

Có nên thi vào các ngành “hot”?

Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2023 đang tới rất gần, thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, nhiều học sinh lớp 12 vẫn đang loay hoay, tìm kiếm chọn ngành học phù hợp, nan giải hơn là chọn trường đại học nào phù hợp với năng lực của mình.

TS. Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng tâm lý trọng bằng cấp ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nặng nề. Qua quá trình tư vấn tuyển sinh, có thể thấy hầu như phụ huynh nào cũng muốn con tốt nghiệp THPT rồi đỗ vào một trường đại học nào đó.

Nhiều học sinh lớp 12 vẫn đang loay hoay, tìm kiếm chọn ngành học phù hợp. (Ảnh: QH

Thời điểm này, ngoại trừ những trường top đầu, rất nhiều trường đại học top dưới đang mở cửa, nới lỏng mọi điều kiện để tuyển sinh, thí sinh dễ dàng vào đại học. Như thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính trung bình các trường đại học cũng chỉ tuyển được khoảng 70-80% chỉ tiêu.

“Như vậy chỉ cần tốt nghiệp THPT, cơ hội vào một trường đại học bất kỳ của các em là hoàn toàn có thể, không hề khó khăn”, TS Đồng Văn Ngọc nói.

Tuy nhiên, lựa chọn ngành học như thế nào phù hợp, TS Ngọc cho rằng: Có nhiều em đặt câu hỏi cho các thầy cô khi tư vấn tuyển sinh rằng em muốn chọn ngành “hot” nhưng lại sợ không đủ năng lực. Nếu chọn những ngành khác lại sợ mất cơ hội vào những ngành đang rất hấp dẫn kia.

Thực tế cho thấy, một đất nước phát triển, bất cứ ngành nghề nào cũng cần thiết và có sự gắn bó, liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo quan điểm của tôi, không có ngành gì là “hot” hẳn.

Nếu như ngành du lịch phát triển, thì sẽ kéo theo sự phát triển của ngành hàng không, vận tải, các dịch vụ nhà hàng khách sạn phát triển… Hay ngành công nghệ ô tô phát triển, yêu cầu cần có các linh kiện ô tô, dây điện, ốc vít… để thành phẩm và đưa ra thị trường thì lại liên quan đến khâu marketing, thương mại, dịch vụ…

“Rõ ràng một ngành phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành khác cùng phát triển. Hiện nay các em mới chỉ đang hiểu đơn thuần, ngành nào có lương cao là ngành “hot”, ông Ngọc nói.

Bên cạnh đó, chúng ta đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà robot và trí tuệ nhân tạo có thể khiến một số ngành nghề ở hiện tại có nguy cơ giảm dần và biến mất. Do đó, không thể nói ngành nào “hot” hay không “hot”.

Các em học sinh nên căn cứ vào những điều kiện thực tế như lực học, sở trường, sở thích của bản thân, nhu cầu của xã hội với các ngành nghề để đưa ra sự lựa chọn, tránh tâm lý chạy theo đám đông.

Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập Trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam cho rằng: Không có ngành nào hot cả, làm nghề nào mà bạn giỏi nghề và mang lại giá trị tốt nhất cho khách hàng, cho xã hội thì bạn đấy mới là người hot.

Ông Ngô Minh Tuấn, người sáng lập trường huấn luyện Doanh nhân CEO Việt Nam. (Ảnh: CEO)

“Tôi không khuyến khích chạy theo nghề hot, vì không có một nghề nào hot theo một chu kỳ dài cả. Mà chỉ có người hot – giỏi trong lĩnh vực đó thì đi đâu cũng được đón nhận”, ông Tuấn nói.

Ông Ngô Minh Tuấn nhấn mạnh, học sinh lớp 12 đừng tập trung vào nghề hot mà cần tập trung vào năng lực sở trường bên trong của bản thân. Từ đó, nhìn sâu vào bản thể của mình, nghiên cứu nghề nào bản thể của mình đáp ứng tốt nhất, mình thích nó thì mình trở thành trạng nguyên của lĩnh vực đó thì mình lúc nào cũng hot, chứ không cần nghề hot.

Các trường đua nhau mở ngành nghề, liệu có tốt?

ThS Phạm Văn Minh, Phó Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: Khi lựa chọn nghề nghiệp, học sinh cần căn cứ vào 4 yếu tố.

Trong đó, đầu tiên các em cần lựa chọn ngành nghề mình yêu thích, chỉ khi yêu thích các em mới có động lực, hứng thú, dành trọn thời gian, công sức để làm. Với những công việc không yêu thích sẽ dễ rơi vào trạng thái làm đối phó, làm cho xong.

“Chọn ngành mình thích nhưng ngành đó các em phải giỏi, giỏi hơn so với người khác và giỏi so với chính bản thân mình. Có những công việc các em thích nhưng chưa chắc giỏi cũng không nên lựa chọn”, ông Minh nói.

Thứ 3, đó phải là ngành xã hội cần. Cho dù đó là ngành nghề các em rất thích, rất đam mê, nhưng xã hội không có nhu cầu, cũng không thể lựa chọn.

Thứ 4, ngoài yếu tố yêu thích, giỏi, xã hội cần, thì xã hội còn cần sẵn sàng trả tiền cho các em nếu theo đuổi ngành nghề đó.

“Một học sinh lựa chọn ngành nghề để theo đuổi trong tương lai ít nhất cần tổng hợp cả 4 yếu tố này, nếu làm được như vậy chắc chắn các em sẽ gắn bó và phát triển với nghề”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Tuấn đánh giá, có một thực tế cho thấy, sinh viên viên tốt nghiệp ra trường không sử dụng được. (Ảnh: CEO)

Hiện nay, các trường Đại học mở rộng rất nhiều ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện cho các học sinh ở nhiều cấp độ có thể tiếp cận được, về vấn đề này, ông Ngô Minh Tuấn đánh giá, việc này không có gì lạ, nhưng phải để ý tới khâu tổ chức thực hiện. Vì trong giáo dục có 4 nấc để đánh giá một chương trình giáo dục.

Thấp nhất là có một chương trình giáo dục hay, nhưng chương trình giáo dục hay không bằng đội ngũ giáo dục, đội ngũ giáo dục giỏi cũng không bằng môi trường giỏi (ném vào môi trường được va đập với doanh nghiệp liên tục thì kể cả thầy giáo bình thường cũng có thể dẫn dắt được các em giỏi).

“Hiện nay, sinh viên không được va đập môi trường giáo dục một cách chuyên nghiệp, cái thứ 4 quan trọng nhất là khát vọng của người học. Cho nên, việc mở rộng ngành nghề đào tạo không ảnh hưởng đến chất lượng, điều quan trọng là cách thức họ làm thế nào”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Ngô Minh Tuấn, có một thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp ra trường không sử dụng được.

“Tôi cũng không rõ trong trường đào tạo thế nào, nhưng với thói quen cũ, tức là toàn bộ tri thức là tri thức cũ. Bên cạnh đó, thái độ và tính chịu đựng vất vả của các bạn ấy rất yếu. Thành ra gần như không sử dụng được, nếu sử dụng được thì phải đào tạo lại”, ông Tuấn cho biết.

Định Trần | NB&CL

NguồnNhà báo & Công luận
Bài cùng chuyên mục