iPhone có thể ‘Made in Vietnam’ bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Một chiếc iPhone sản xuất tại Việt Nam là viễn cảnh có thể xảy ra nhưng để biến thành sự thật, các nhà cung cấp tại đây được cho cần giải quyết trở ngại liên quan đến nguyên liệu, quy mô sản xuất.
Sau chuỗi ngày dài căng thẳng, các nhà đàm phán của Mỹ và Trung Quốc đang gặp nhau tại Thượng Hải để thảo luận và tìm cách giải quyết chiến tranh thương mại, gia tăng hy vọng về một kết quả tốt đẹp.
Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, sự hấp dẫn của Bắc Kinh đang dần mờ nhạt đi bởi viễn cảnh mối quan hệ không mấy tốt đẹp với Washington.
Khả năng điện thoại thông minh (smartphone), máy chơi game video và những vật dụng yêu thích khác của người tiêu dùng trở thành mục tiêu đánh thuế tiếp theo của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các nhà sản xuất cảm thấy áp lực khi phải tìm những địa điểm mới với lương thấp mới để sản xuất hoặc hoàn thiện sản phẩm.
“Sẽ không có nơi nào trên thế giới hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc hơn Việt Nam”, Raymond Zhong trên tờ The New York Times nhận định.
Nhà sản xuất iPhone Apple đến Việt Nam và Ấn Độ khi tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nintendo đã tăng tốc chuyển đổi sản xuất bảng điều khiển từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo công ty nghiên cứu chuỗi cung ứng Panjiva.
Công ty điện tử Đài Loan Foxconn, nhà lắp ráp iPhone chủ đạo, hồi tháng 1 cho biết họ đã thuê đất tại Việt Nam và đầu tư hơn 200 triệu USD vào một công ty con của Ấn Độ.
Các đối tác Đài Loan và Trung Quốc khác của Apple cũng cho biết họ cũng đang xem xét tăng cường hoạt động tại Việt Nam.
Các nhà máy tại đây đang “phất” lên với các đơn đặt hàng khi thuế quan gia tăng của Mỹ khiến không ít doanh nghiệp xem xét lại việc sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không thể thay thế Trung Quốc để trở thành trung tâm sản xuất chỉ sau một đêm trong bối cảnh còn nhiều trở ngại, Raymond Zhong nhận định.
Trước hết là vấn đề nguyên liệu.
Ông Vũ Hữu Thắng, người đứng đầu Bắc Việt Technology tại Bắc Ninh – doanh nghiệp sản xuất các bộ phận nhựa nhỏ cho máy in Canon, nhạc cụ Korg, điện thoại di động và phụ kiện điện thoại Samsung cho biết Việt Nam khó có thể so sánh với Trung Quốc.
“Nguyên liệu đắt hơn 5 – 10% so với Trung Quốc” và thị trường Việt Nam quá nhỏ để kéo các nhà sản xuất nhựa đặt nhà máy tại đây. Ông Thắng cho biết, mỗi tháng doanh nghiệp phải nhập 70 – 100 tấn nguyên liệu nhựa và hầu hết đều sản xuất tại Trung Quốc.
Bên cạnh đó, bất động sản có thể đắt đỏ, nhà máy và nhà kho chưa sẵn sàng cùng với vấn đề tuyển dụng và quản lý lao động.
Việt Nam cũng chưa sở hữu hàng loạt công ty sản xuất linh kiện, bộ phận và vật liệu chuyên dụng như các nhà sản xuất theo yêu cầu ở nước láng giềng phía Bắc.
Sự xuất hiện của Samsung cách đây hơn 1 thập kỷ đã giúp miền Bắc Việt Nam dần trở thành một trung tâm lớn với lĩnh vực điện tử. Khi bắt đầu, Samsung đã mua một số sản phẩm kim loại sử dụng trong dây chuyền lắp ráp từ Công Ty TNHH Cơ khí chính xác – Dịch vụ và Thương mại Việt Nam (VPMS).
Tuy nhiên, khi nhiều đối tác Hàn Quốc của Samsung vào Việt Nam, Samsung và VPMS đã dừng hợp tác chỉ sau 1 năm, một trong những người sáng lập VPMS, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho hay.
Ông Hoàng cho biết thêm, vấn đề không nằm ở giá cả hay chất lượng mà nằm ở quy mô và Samsung cần nhiều hơn mức VPMS có thể cung cấp.
Ông Vũ Tiến Cường, người đứng đầu Fitek – công ty sản xuất thiết bị công nghiệp cho Samsung, Canon và các công ty lớn khác xung quanh Bắc Ninh – nhận định, hầu hết các nhà cung cấp Việt Nam có vấn đề về chất lượng và năng suất khiến họ không thể thắng các công ty đa quốc gia. “Gốc rễ là thiếu kinh nghiệm cứ không phải thiếu tiền hay kiến thức”.
Theo NY Times