Ngành giáo dục tiến tới sử dụng chữ ký số, chuyển học bạ sang dữ liệu điện tử

Trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng về kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử 6 tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, bước đầu Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu để triển khai điện tử hóa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến về Giáo dục để triển khai Chính phủ điện tử. Ảnh: Từ Bộ GD&ĐT

Cụ thể, Bộ đã thu thập được dữ liệu của gần 53.000 trường học mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, gần 500 cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên. Tổng cộng là gần 24 triệu hồ sơ học sinh sinh viên (hồ sơ lý lịch và kết quả học tập rèn luyện) và gần 1,5 triệu hồ sơ chi tiết cán bộ, giáo viên ở các cơ sở giáo dục. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Bộ đã hoàn thành việc thu thập dữ liệu và đang trong quá trình xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý.

Sau khi thực hiện được “số hóa” thông tin quản lý ngành, Bộ sẽ nghiên cứu, rà soát và hướng tới cắt giảm giấy tờ trong thực hiện các thủ tục hành chính của ngành. Bộ GD&ĐT đã tích cực triển khai và có hiệu quả là Hệ thống e-office. Tất cả cán bộ công chức, viên chức của Bộ đều thực hiện quản lý hồ sơ công việc và văn bản điện tử trên môi trường mạng. Từ đó, Bộ đã kết nối hệ thống e-office tới hơn 300 trường đại học, 63 Sở GD&ĐT. Việc trao đổi văn bản giữa Bộ với cơ sở đều thực hiện qua hệ thống này.

Ngoài ra Bộ cũng đã cấp hơn 400 chữ ký số cho tất cả cán bộ, công chức của Bộ. Từ ngày 1/8 tới đây, tất cả các tờ trình lãnh đạo Bộ đều phải được ký số và gửi trên hệ thống e-office (Văn phòng Bộ không nhận tờ trình giấy).

Công tác tập huấn, sử dụng chữ ký số đang được triển khai tới tất cả chuyên viên. Ban đầu, tuy có những khó khăn, tuy nhiên khi Bộ trưởng và tất cả các Thứ trưởng đều sử dụng ký số, phê duyệt văn bản trên e-office, tình hình sử dụng ký số dần đi vào nền nếp, thường xuyên.

Đặc biệt, cùng với đà “điện tử hóa”, ngành giáo dục cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy, học và kiểm tra – đánh giá. Đã đóng góp gần 5,000 bài giảng E-Learning có chất lượng, hơn 40 ngàn câu hỏi trắc nghiệm, bản đồ số hóa giáo dục, … lên hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ nhằm chia sẻ, phục vụ cộng đồng và học sinh, giáo viên toàn ngành phát huy những lợi thế của CNTT mang lại.

Theo Lương Minh/ CLO

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục