Vào làng rau Trà Quế… ngắm rau

Nói thật lòng là tôi tò mò xem thử làng rau Trà Quế ở Hội An có gì lạ không? Nên khi còn ở Đà Nẵng, tôi đã lên Google tìm kiếm. Bởi người nông dân Việt trồng rau là điều bình thường, nhưng làng rau làm du lịch thì quả thật là điều không đơn giản. Và Trà Quế cũng đã hấp dẫn theo những câu chuyện kể khi các hướng dẫn viên hướng dẫn du khách tham quan.

Trà Quế ngày xưa là làng chài, nhưng càng ngày tôm cá càng ít, nên người dân trồng rau và cứ thế từ làng chài thành làng rau.

Loại rau gia vị chủ yếu là rau thơm, rau sống cung cấp quanh vùng. Khi đó làng có tên Như Quế, cho đến năm 1800, vua Gia Long đặt lại là Trà Quế và nay Trà Quế nức tiếng, gần như ai đến Hội An cũng tò mò tìm tới xã Cẩm Hà để tham quan Trà Quế, đôi khi chỉ để nhìn rau.

Tới Trà Quế thật dễ, vì chỉ cách Hội An chừng ba cây số. Có tấm bảng ngay trên đường chỉ vào, bé bé: “Làng rau Trà Quế”, thế là rẽ vào. Một bãi giữ xe ngay trước khi vào làng, để xe và thong dong đi bộ vào vùng đất trồng rau.

Chẳng vội vàng, chẳng tìm kiếm, vì phía trước chúng tôi đã có một anh hướng dẫn viên đang đi cùng một đoàn khách nước ngoài, anh đang thuyết minh. Thế là đi theo. Có thể đây là làng rau làm du lịch nên con đường đi xuyên qua bằng phẳng, đẹp, sạch sẽ. Bao quanh hai bên là những luống rau, những người nông dân chăm chỉ làm việc trên cánh đồng rau của mình và tất nhiên không phải tất cả làng rau đều làm du lịch, mà nhờ vào du lịch nên rau Trà Quế, loại rau trồng không lồng kính, rau được bón bằng loại rong lấy ở sông Cổ Cò cạnh đó, rau có mùi thơm như “quế” bán được và nổi tiếng.

Tôi không theo đoàn khách du lịch, khi thấy mấy người dân đang trồng rau, tôi tách vào, nhón chân đi theo con đường rẽ ra giữa các luống rau. Những luống rau đều trồng sát mặt đất, không vun vồng cao lên. Nào là xà lách, hành, rau thơm… Các luống rau trồng theo hình chữ nhật, rau đủ loại như rau người ta bán ở chợ. Tôi lách chân đi trong màu xanh đó, gặp một người nông dân đang cuốc đất, đó là anh Điền. Anh Điền cho biết, mấy trăm hộ trồng rau chỉ có một khu quy hoạch làm du lịch. Nhờ trồng rau làm du lịch nên người nông dân ở đây lâu lâu được bên Sở Nông nghiệp cấp hạt giống, và quan trọng hơn là nhờ có thương hiệu rau Trà Quế thơm, ngon, sạch mà rau trồng ra bán hết.

Khu làm du lịch cũng ngay trong làng rau. Khách nước ngoài đạp xe đạp từ Hội An theo đoàn tới làng rau. Cảnh những chiếc xe đạp đi trong màu xanh cây cỏ vô cùng lãng mạn. Khu vườn rau của anh Bảy có một ô đất trồng rau biểu diễn. Khách nước ngoài cũng hí hoáy trồng rau và họ cũng xách bình tưới múc nước trong hồ tưới rau, gương mặt vô cùng thích thú. Khách du lịch còn được trải nghiệm cách chế biến rau, ăn bánh xèo với rau. Chính sự mộc mạc dân dã ấy đã làm cho khách phương xa trở nên thích thú.

Chỉ là một làng rau, nhưnglàng rau Trà Quế như một bức tranh làng quê sinh động. Hình ảnh rất đỗi bình thường của những luống rau được chăm sóc tươi tốt. Còn người dân thì không quan tâm đến du khách, vẫn làm công việc của mình. Vài chỗ có giàn mướp đang ra trái hay vài khóm hoa đang bung nở làm duyên cho làng rau nức tiếng Trà Quế.

Khi chúng tôi vào một quán ăn gần đó, bà chủ quán nói tất cả rau chúng tôi ăn là rau Trà Quế. Tôi bỗng nghe mùi thơm của rau và cả vị ngọt của ân tình nơi một vùng đất nghèo nhưng đầy thú vị đang ngày càng thu hút thêm nhiều du khách tới tham quan.

Du khách nô nức tới tham quan làng rau Trà Quế.
Nụ cười hồn nhiên của người làng rau Trà Quế.
Giữa những luống rau xanh bạt ngàn.
Nông dân đang chăm sóc rau.
Du khách đang trải nghiệm việc tưới rau.

Theo Khuê Việt Trường/ Nguoitieudung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục