Bà Rịa – Vũng Tàu: Yêu cầu phóng viên tác nghiệp phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản

Đó là nội dung được quy định tại công văn số 2384 - CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Xinh ký ban hành ngày 26/7/2019.

Sáng 12/8, hàng loạt các nhà báo thường trú tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bất ngờ nhận được qua Email công văn số 2384 – CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh này do Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Văn Xinh ký ban hành ngày 26/7/2019.

Công văn 2384 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu phóng viên tác nghiệp phải có giấy giới thiệu của cơ quan chủ quản

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu công văn số 2384-CV/BTGTU ngày 26/7 của ông Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, không có nội dung “thiển cận”!

Nội dung công văn nêu “Nhằm thực hiện tốt quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Đảng bộ tỉnh và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại giao ban báo chí 6 tháng đầu năm 2019 về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan báo chí có phóng viên đăng ký hoạt động tại tỉnh thực hiện đúng các nội dung sau:

1/ Khi phát hành văn bản hoặc có cử phóng viên đến các cơ quan đơn vị liên hệ tác nghiệp phải tuân thủ đúng thủ tục về mặt pháp lý (có giấy giới thiệu, văn bản, nội dung đề nghị cung cấp, trao đổi thông tin… có chữ ký, con dấu của người đại diện, cơ quan chủ quản tờ báo), không đề nghị cung cấp thông tin qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử…

2/ Trường hợp người phát ngôn các cơ quan, đơn vị thực hiện không đúng quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đề nghị báo chí có văn bản phản ánh đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để tổng hợp, xử lý.

3/ Khi đề xuất các nội dung cung cấp thông tin tại giao ban báo chí định kỳ, phóng viên các cơ quan báo chí phải thực hiện đăng ký bằng văn bản theo mẫu (đính kèm), không đăng ký qua tin nhắn, điện thoại, hộp thư điện tử…”.

Đọc qua văn bản nêu trên, người đọc có thể hiểu tại điều 1 của công văn số 2384-CV/BTGTU của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu… bắt buộc trên giấy giới thiệu của phóng viên phải có chữ ký, con dấu của người đại diện, cơ quan chủ quản tờ báo. Điều này có nghĩa, phóng viên báo Sài Gòn Giải Phóng khi cầm giấy giới thiệu đi tác nghiệp tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trên giấy phải có chữ ký của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Hoặc phóng viên báo Kinh tế & Đô thị muốn đi tác nghiệp, cần phải có giấy giới thiệu do đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký vào.

Qua nội dung công văn nêu trên, dư luận có quyền thắc mắc chẳng lẽ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu tự cho mình quyền “sáng tác” ra công văn với nội dung “đứng trên” Luật Báo chí?

Trưa 12/8, trả lời với phóng viên về công văn nêu trên, ông Nguyễn Văn Xinh, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu, nói: “tại vì cái này vừa rồi họp giao ban báo chí có một số đơn vị, anh em gửi văn thì dễ rồi. Phần lớn điện thoại, gửi Email nhiều nên mình muốn chấn chỉnh cho thống nhất. Những nội dung nào cần yêu cầu cung cấp thông tin sở, ngành nào đó, cơ quan chủ quản có ý kiến vô, gửi thì mình tổng hợp cho dễ”.

Tuy nhiên khi phóng viên khẳng định cơ quan chủ quản của tờ báo và đại diện tờ báo hoàn toàn khác nhau. Lúc này ông Xinh nói: “Văn bản đã nhầm rồi. Cái đó lỡ rồi. Thông cảm!”.

Theo Trúc Mai/ Tieudung.vn

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục