Chuyện “tỷ phú 0 đồng” ở BV Chợ Rẫy
Hàng chục năm công tác ở bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, giờ với tư cách trưởng phòng Công tác xã hội của BV, ThS Lê Minh Hiển càng có cơ hội gặp gỡ, thấu hiểu và cảm thông cho những bệnh nhân nghèo. Anh tự nhận mình là tỷ phú nhưng là “tỷ phú 0 đồng”.
Ám ảnh sự cùng cực của bệnh nhân nghèo
Tốt nghiệp ĐH, Lê Minh Hiển về công tác tại khoa Xét nghiệm huyết học, BV Chợ Rẫy. Tham gia công tác Đoàn từ khi còn trên giảng đường và tại đơn vị cùng nhiều chuyến đi thực tế, khám bệnh miễn phí tại các vùng quê đã đọng lại trong anh những ám ảnh về cái nghèo và sự cùng cực của người dân khi mắc bệnh hiểm nghèo.
“Không có tiền khám bệnh nên người dân không biết mình mắc bệnh, thậm chí biết bệnh rồi nhưng không có tiền chữa đành “nhắm mắt buông xuôi”. Hình ảnh những đứa trẻ một ngày xỉu 3-4 lần vì căn bệnh tim quái ác ám ảnh tôi trong suốt những chuyến đi và cả sau này. Đi là để đến, để thấu hiểu và sẻ chia. Từ đó, tôi đặt quyết tâm cho mình nếu có thể, sẽ cố gắng làm mọi cách để giúp đỡ họ vượt qua bệnh tật khổ đau”, anh Hiển chia sẻ và cho biết anh là một trong những nhân sự đầu tiên đầu quân cho phòng Công tác xã hội từ khi thành lập với nhiệm vụ hỗ trợ và giúp đỡ bệnh nhân nghèo.
Mở chiếc điện thoại được “cưng” như báu vật, anh Hiển nói trong đấy là hàng nghìn những tấm ảnh anh chụp cùng với bệnh nhân. Anh cho tôi xem hình ảnh nam bệnh nhân tên Toàn (quê Bình Định), là một trong những ca bệnh đầu tiên mà phòng hỗ trợ. Toàn thuộc diện hộ nghèo, chậm phát triển nhưng chàng trai 18 tuổi này được xem là hy vọng duy nhất của cả nhà. Trớ trêu thay, trong một lần khám sức khỏe để đăng kí tham gia nghĩa vụ quân sự, Toàn được phát hiện mắc bệnh tim ở giai đoạn nguy kịch. “Nhìn cậu thanh niên gầy gò, đen nhẻm đang quằn quại với những cơn đau khi đằng trước mặt còn là một tương lai rất dài, rồi quay sang bắt gặp ánh mắt buồn bã, cạn kiệt hy vọng của mẹ em, tôi tự nhủ bằng mọi cách phải giúp Toàn được sống. Liên hệ với các mạnh thường quân, trình bày trường hợp của em và xin hỗ trợ, cuối cùng Toàn đã được phẫu thuật và về lại với gia đình”, anh Hiển cho hay.
Nhiều năm sau ca phẫu thuật, cậu thanh niên gầy nhom ngày đấy giờ đã là một người đàn ông cường tráng, phong độ. Mới đây Toàn dắt một cô gái đến BV giới thiệu với anh Hiển là vợ sắp cưới của mình, khiến anh xúc động. “Từ đó, tôi vẫn hay động viên các bạn đồng nghiệp phải đặt mình vào vị trí của người bệnh, chỉ có lo cùng những nỗi lo của người bệnh thì mới thấu hiểu họ thật sự cần gì, từ đó đề ra giải pháp tốt nhất để giúp đỡ”, anh Hiển chia sẻ.
“Tôi tự nhận mình là tỷ phú, nhưng là tỷ phú 0 đồng. Vì 10 năm qua, thứ mà tôi có nhiều nhất là tình thương của bệnh nhân, là cái nắm tay rơm rớm nước mắt của các cô chú mỗi khi lên tái khám, là tiếng gọi “bác Hiển ơi” của mấy bệnh nhi. Thử hỏi, tình thương nhiều như thế đó, bạc tiền nào mà so sánh được?”. Ths Lê Minh Hiển
Sứ giả yêu thương
Dưới sự điều hành của anh Lê Minh Hiển, phòng Công tác xã hội luôn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho bệnh nhân qua chuỗi chương trình “Chủ nhật chia sẻ yêu thương”. Chương trình đầu tiên diễn ra vào tháng 3/2017, đến nay phòng đã thực hiện thành công 14 chương trình với những hoạt động cắt tóc, gội đầu, chụp ảnh, văn nghệ và những bữa cơm thân mật, ấm áp nghĩa tình. Chương trình lan rộng và áp dụng thành công tại nhiều BV lớn ở phía Bắc, miền Trung và cả Tây Nguyên.
“Lắng nghe ca nhạc, có những cụ bà rơi nước mắt vì nhớ nhà, nhớ cháu. Có những người mẹ còn xung phong lên hát cùng với chương trình rồi hạnh phúc cho biết con trai bà vừa mới rời khỏi phòng hồi sức. Có những bệnh nhân ăn nửa hộp cơm, còn một nửa cất lại mang lên cho vợ vì ngon quá… khiến anh em ai nấy đều cảm động”, anh Hiển chia sẻ.
10 năm qua, phòng Công tác xã hội của BV Chợ Rẫy đã vận động được hơn 4 nghìn nhà hảo tâm, giúp đỡ hơn 19 nghìn lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 84 tỷ đồng, tổ chức 4.500 suất ăn miễn phí mỗi ngày đưa đến tận tay người bệnh. “Tôi tự nhận mình là tỷ phú, nhưng là tỷ phú 0 đồng. Vì 10 năm qua, thứ mà tôi có nhiều nhất là tình thương của bệnh nhân, là cái nắm tay rơm rớm nước mắt của các cô chú mỗi khi lên tái khám, là tiếng gọi “bác Hiển ơi” của mấy bệnh nhi. Thử hỏi, tình yêu thương nhiều như thế đó, bạc tiền nào so sánh được?”, anh Hiển cười hiền.
Ngoài đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng Công tác xã hội, hiện anh Hiển còn là Phó đơn vị Điều phối ghép tạng của BV. Anh cũng là một trong số những người đầu tiên đăng kí hiến tạng.
“Có một câu chuyện mà mãi tôi không thể quên. Đó là hình ảnh người đàn ông với đôi chân tật nguyền vẫn đều đặn in dấu khắp các hành lang BV đưa vợ đi trị bệnh, ròng rã mấy năm. Ngày chúng tôi nhận thông báo có người hiến tạng, vợ anh ấy là đối tượng phù hợp để nhận. Người đàn ông mừng rỡ nắm chặt lấy tay tôi và bảo cứ cho anh kí giấy nợ, anh sẽ đi làm để trả, xin hãy cứu vợ anh. Ca phẫu thuật thành công, vợ anh trở lại với cuộc sống bình thường nhưng anh không còn phải lo trả nợ vì mọi chi phí đều được các mạnh thường quân hỗ trợ. Chúng tôi nể phục tình yêu thương, niềm khát khao cuộc sống của họ. Và nghĩa vụ của chúng tôi là những sứ giả để hiện thực hóa khát khao ấy”, anh Hiển tâm sự.