Tổng cục Đường bộ đề xuất cho thu phí trở lại cao tốc TP.HCM – Trung Lương sau thời gian hỗn độn vì miễn phí
8 tháng dừng thu phí, lượng phương tiện giao thông qua cao tốc TP.HCM - Trung Lương tăng cao khiến mặt đường hư hỏng, xuất hiện tình trạng xuống cấp, tai nạn gia tăng và nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông liên hoàn. Cục quản lý Đường bộ IV phải đề xuất thu phí trở lại.
Trao đổi với PV ngày 14/8, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) cho biết từ ngày 1/1 đến nay, đơn vị đã tiếp quản cao tốc TP.HCM – Trung Lương từ Tập đoàn Yên Khánh (sau khi tập đoàn này hết hạn thu phí).
“Việc cao tốc dừng thu phí đã khiến lưu lượng phương tiện tăng lên 31%, hiện giờ là hơn 51.000 xe/ngày đêm. Nhiều xe chạy dàn ngang, lấn vào làn khẩn cấp khiến tốc độ trung bình giảm và nảy sinh nhiều tai nạn, đã có vụ chết người”, ông Thành chia sẻ.
Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) – đơn vị hiện quản lý cao tốc TP.HCM – Trung Lương vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ đề xuất sớm thu phí trở lại cao tốc này. Mục đích là để giảm lưu lượng, thiết lập lại trật tự và có nguồn kinh phí bảo trì mặt đường.
Trước đó, ngày 30/12/2013, Tổng công ty Cửu Long đã bán đấu giá quyền thu phí sử dụng đường bộ thời hạn 5 năm cao tốc TP.HCM – Trung Lương giai đoạn 1 cho Công ty Yên Khánh với giá hợp đồng là 2.004 tỷ đồng, thời hạn thu phí là 5 năm kể từ 0h ngày 1/1/2014 đến 0h ngày 1/1/2019.
Theo đó, từ đầu năm 2019, tuyến cao tốc này hết hợp đồng nhượng quyền thu phí với Công ty Yên Khánh và dừng thu phí tới nay. Do trở thành đường miễn phí, xe tải, container ồ ạt đổ vào tuyến đường này. Tình trạng xe quá tải khó kiểm soát khiến tuyến đường xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đồng thời, nguồn thu phí cũng giúp các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng tuyến đường tốt hơn.
Trước đó, tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương được Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng Cửu Long nhượng quyền thu phí cho Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh. Thời gian thu phí từ năm 2014-2018. Sau đó, Công ty Yên Khánh bị phát hiện gian lận tiền thu phí, một số cá nhân bị khởi tố.
Hết năm 2018, Công ty Yên Khánh bàn giao lại tuyến đường cho Cục quản lý Đường bộ IV. Tổng cục Đường bộ cho biết sẽ sửa chữa và tiếp tục tính phương án khai thác tiếp theo do số tiền bán đấu giá và tiền thu phí vẫn chưa đủ để hoàn vốn 9.880 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng.
Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt trước đó, sau khi hết hợp đồng nhượng quyền thu phí, quyền thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ được chuyển cho nhà đầu tư BOT tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, để thu phí thu hồi vốn đầu tư. Thay cho việc ngân sách nhà nước phải chi ra hỗ trợ nhà đầu tư BOT tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận. Tuy nhiên, do quy định pháp luật thay đổi, việc đổi quyền thu phí này được chuyển sang ngân sách nhà nước cấp trực tiếp.
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài gần 62 km với 6 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/h, tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng. Thi công từ năm 2004 và đưa vào sử dụng năm 2010. Nhưng chính thức thu phí từ năm 2012.
Đây là mắt xích đầu tiên của tuyến cao tốc nối từ Sài Gòn đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Các tuyến tiếp theo là Trung Lương – Mỹ Thuận (đang thi công), Mỹ Thuận – Cần Thơ (đang chuẩn bị đầu tư).
Theo H.D (tổng hợp)/ CLO