Công bố sốc, Đại học Đông Đô đào tạo chui 17 ngành?
Liên quan đến vụ việc bát nháo đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, ngày 17/8, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến chính thức về vấn đề này.
Theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp ĐH thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 – VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo VB2.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chưa nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo VB2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo VB2.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Nhưng trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo VB2.
Do trường Đại học Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo VB2, nên Bộ GD&ĐT cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).
Mặt khác, Khoản 2 Điều 38 Luật GDĐH 2012 đã quy định cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học. Như vậy, theo Luật này, Bộ không quản lý phôi bằng ĐH mà giao trách nhiệm cho các trường ĐH tự quản lý và tổ chức in phôi bằng ĐH của mình.
Tại Khoản 1, Điều 15 Thông tư số 19/TT-BGDĐT ngày 8/9/2015 quy định: Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ in phôi văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân (trừ chứng chỉ giáo dục quốc phòng – an ninh), chịu trách nhiệm quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Như vậy, theo quy định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành mẫu văn bằng, chứng chỉ cụ thể của từng cấp học, trình độ đào tạo, chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, các trường ĐH cập nhật thông tin của trường mình vào mẫu văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi.
Thông tư số 19 đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng (về cơ sở vật chất, về nhân sự quản lý việc in phôi VBCC, số lượng phôi VBCC ít…) nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi VBCC. Như vậy, Văn phòng Bộ là đơn vị cung cấp phôi VBCC như các cơ sở in phôi VBCC khác.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2017 trường Đại học Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật Môi trường; Công nghệ Sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính Ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý nhà nước.
Năm 2018, trường Đại học Đông Đô có đưa ra thông báo về tuyển sinh văn bằng 2 ở ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung.
Trong khi đó, như trên đã nói, Bộ GD&ĐT chưa cấp phép cho trường ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2. Chính vì vậy mà hàng năm, Bộ không yêu cầu trường báo cáo về vấn đề này.
Theo Nghiêm Huê/ TPO