Dược sĩ ‘dỏm’ đứng quầy, Sở Y tế khó ‘dẹp loạn’?

Trước thực tế các cửa hàng thuốc mọc như nấm sau mưa, trong khi lực lượng kiểm tra mỏng như hiện nay, ngành y tế khó có thể dẹp tình trạng thuê bằng dược sĩ để bán thuốc.

Cứ đứng quầy là thành… dược sĩ!

Trong vai bà mẹ có con ốm, chúng tôi có mặt tại một cửa hàng thuốc trên địa bàn Q.Hà Đông (Hà Nội). Tiếp đón khách hàng là người phụ nữ không mặc áo blouse và không đeo bảng tên dược sĩ.

Sau khi hỏi cân nặng của trẻ, người bán không hỏi nhiệt độ trẻ khi sốt nhưng vẫn tư vấn sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol với liều lượng 250mg: “Nếu cảm thấy trong 3 giờ trẻ sốt lại hoặc khi uống thuốc không hạ nhiệt thì có thể tăng liều lượng lên 300mg vì nhiều trẻ hấp thu kém”.

Dược sĩ phụ trách vắng mặt nhưng hai nam nhân viên tại nhà thuốc Minh Tiến VI vẫn bán hàng, tư vấn

Khi tôi băn khoăn về việc người bán có phải dược sĩ và ngỏ ý muốn xem bằng cấp để chứng thực thì cô nổi cáu: “Không phải dược sĩ thì đứng đây làm gì” rồi quay đi với thái độ khó chịu. Thế nhưng cũng chính tại cửa hàng thuốc này, hôm sau trở lại, chúng tôi lại được một nam thanh niên bán thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm mà chẳng cần đơn.

Tương tự, tại một cửa hàng thuốc khác trên địa bàn, sau khi chúng tôi hỏi mua thuốc hạ sốt, nhân viên còn tận tình tư vấn nên truyền nước để trẻ nhanh phục hồi sức khỏe và tránh “kiệt quệ” do bị mất nước.

Cô “dược sĩ” này đưa cả danh thiếp và dặn có thể liên lạc bất cứ khi nào để cửa hàng cử người tới tận nhà truyền nước. Khi chúng tôi bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an toàn, cô khẳng định: “Bọn em là người có chuyên môn và thực hiện nhiều rồi nên đảm bảo không có vấn đề gì xảy ra”.

Tình trạng “dược sĩ một đằng, người bán thuốc một nẻo”, tự ý kê đơn hay nhận các dịch vụ vượt quá lĩnh vực hoạt động… không phải hiếm gặp tại các nhà thuốc ở TP.Hà Nội.

Mới đây, đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.Hà Nội đã tiến hành khảo sát hàng loạt nhà thuốc và phát hiện nhiều sai phạm. Tại quầy thuốc Đức Tâm (H.Thạch Thất, TP.Hà Nội), khi đoàn giám sát kiểm tra, chủ quầy thuốc thừa nhận chưa được cấp phép nhưng đã hoạt động hơn một tháng qua. Điều đáng nói, khi nhà thuốc này bị kiểm tra thì hàng loạt nhà thuốc ở khu vực gần đó đã mau lẹ “đóng cửa” đồng loạt để tránh đoàn kiểm tra.

Tương tự, tại nhà thuốc Minh Tiến VI (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội), thời điểm đoàn giám sát kiểm tra, dược sĩ phụ trách chuyên môn không có mặt. Tuy nhiên, hai nam nhân viên trong quầy vẫn vô tư bán hàng, tư vấn khi khách hàng tới kể bệnh, mua thuốc.

“Không ở đâu nhiều nhà thuốc như Việt Nam”

Ông Nguyễn Quang Trung – Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân Sở Y tế Hà Nội – thừa nhận, hiện tượng cho thuê bằng dược sĩ để mở cửa hàng thuốc khá phổ biến. Tức chỉ cần bỏ ra số tiền thuê bằng khoảng 10 triệu đồng/tháng, một người không có chuyên môn cũng có thể đứng quầy kê thuốc, chữa bệnh cho người dân mà không lường được hàng loạt hậu quả.

Nữ nhân viên tại cửa hàng 365.vn không có chứng chỉ chuyên môn nhưng vẫn bán thuốc sau khi đoàn giám sát rời đi

Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội – bày tỏ bức xúc: “Không ở đâu nhiều nhà thuốc và các cơ sở y tế tư nhân như ở Việt Nam”. Tuy nhiên, lý giải về việc các nhà thuốc mọc lên như nấm và mất kiểm soát như hiện nay, bà Hà chỉ ra cái khó đối với cơ quan chức năng, đó là việc thu hồi chứng chỉ hoạt động của người hành nghề theo quy định chỉ tiến hành nếu người đó có sai phạm về chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, với các nhà thuốc vi phạm, phần lớn chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm, đơn vị này đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc của tám cơ sở. Với con số xử lý có phần ít ỏi này, đại diện Phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân của Sở Y tế Hà Nội cho biết, nhân lực kiểm tra hiện quá thiếu và yếu.

Không chỉ nhà thuốc, đơn vị này còn phụ trách hoạt động của cả các cơ sở hành nghề y ngoài công lập với số lượng lên tới hơn 10.000 đơn vị, chỉ với sáu nhân sự. Với lực lượng mỏng như vậy nên có cơ sở phải 10 năm mới đến lượt để kiểm tra!

Trong khi đó, các hiệu thuốc cũng có nhiều “chiêu bài” để lách luật, qua mặt cơ quan kiểm tra. Khi đoàn giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.Hà Nội kiểm tra nhà thuốc 365.vn (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) do dược sĩ N.T.Đ. phụ trách.

Nữ nhân viên không có chứng chỉ chuyên môn một mực cho rằng, chỉ có nhiệm vụ trông coi cửa hàng. Dù vậy, khi đoàn giám sát vừa rời khỏi ít phút, cô này lại thản nhiên bán thuốc như không có chuyện gì xảy ra…

Theo Huyền Anh/ Phunuonline

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục