Tổng LĐLĐ thu phí trường ĐH Tôn Đức Thắng: Ngược Quy định của Chính phủ

Kiện cơ quan chủ quản – việc chưa từng có

Cán bộ giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã viết đơn phản đối Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam – cơ quan chủ quản của trường này vì phải trích nộp lại tài chính.

Theo đó, trường đã nhận văn bản của cơ quan này chỉ đạo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.

Ông Lê Vinh Danh – Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết đã 3 lần Tổng liên đoàn yêu cầu trường phải nộp tiền.

“Việc này là sai, bởi Tổng LĐLĐ Việt Nam không phải là đơn vị sáng lập, cũng không phải là đơn vị đầu tư cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ là đơn vị tiếp nhận do Chính phủ chuyển Trường ĐH Tôn Đức Thắng từ UBND TP.HCM về nên không thể yêu cầu thu tiền”, ông Danh nói.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng được thành lập từ năm 1997

Không chỉ có vậy, trong đơn tập thể cán bộ nhà trường còn cho biết, ngày 18/10/2016, Thường trực Tổng liên đoàn đã tự tiện sửa Qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường ĐHTĐT và ban hành luôn để chỉ định Hội đồng trường phải bầu Chủ tịch Tổng liên đoàn làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Theo đó, hành vi này này vi phạm pháp luật 3 việc: Qui chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường phải do Hội đồng quyết nghị sửa đổi, trình Tổng liên đoàn ban hành; chứ không phải Tổng liên đoàn tự động sửa đổi và ban hành; Chủ tịch Hội đồng là do Hội đồng bầu chọn 1 người đạt tối thiểu trên 50% phiếu của Hội đồng chứ không phải Tổng liên đoàn có quyền chỉ định; ông Chủ tịch Tổng liên đoàn vào thời điểm đó không đủ tiêu chuẩn làm Chủ tịch Hội đồng trường.

Năm2018,2019, với tư cách Chủ tịch Hội đồng trường, ông Chủ tịch TLĐ đã rất nhiều lần trì hoãn, không ký Nghị quyết của Hội đồng để Nhà trường triển khai công việc mặc dù Chủ tịch cùng tham gia biểu quyết. Việc này vi phạm các qui định pháp luật hiện hành.

Mặc dù Ngày14/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Công văn số 499/BGDĐT-GDĐH yêu cầu các đại học chuẩn bị thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học để bảo đảm ngày 1/7/2019, đạo luật này triển khai thực thi ngay.

Tuy nhiên, mặc dù Hội đồng trường đã nhất trí và có nghị quyết để thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học và chỉ đạo của Bộ, Tổng liên đoàn đã có Văn bản số655/TLĐ chỉ đạo Trường làm ngược lại; với nhiều nội dung vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật Nhà nước; kể cả cố tình vi phạm những qui định đang còn hiệu lực của Tổng liên đoàn.

Thư viện trong khuôn viên trường. Tính đến cuối 2018, trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư vào cơ sở vật chất trên mặt đất hơn 2.200 tỷ đồng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam nhiều lần đòi… thu phí

Năm 2006 Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quy định 1684 quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp của công đoàn. Trong đó, phần tài chính có quy định: “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.

Từ năm 2017, Đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam khi làm việc với Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã yêu cầu nhà trường thực hiện nghĩa vụ tại Quy định 1684 với cơ quan chủ quản cụ thể là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Thời điểm đó, hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng là ông Lê Vinh Danh đã ký văn bản gửi đoàn kiểm tra của Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định Trường ĐH Tôn Đức Thắng không thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định 1684.

Cụ thể, mục 1 của Quyết định nêu trên quy định: Đối tượng thực hiện quy định này là các đơn vị sự nghiệp dự toán độc lập trong hệ thống công đoàn, do các cấp công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật kế toán. Trường ĐH Tôn Đức Thắng là đơn vị sự nghiệp do Chính phủ ra quyết định thành lập mà không phải do các cấp công đoàn có thẩm quyền ra quyết định thành lập. Do đó việc trích dẫn Quyết định này để đặt nghĩa vụ tài chính cho trường là không đúng.

Tại Văn bản1933/TLĐ ngày29/11/2017, Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vẫn yêu cầu Nhà trường phải trích nộp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế; mặc dù Nhà trường đã giải trình.

Vào thời điểm đó, trường ĐH Tôn Đức Thắng không chấp thuận vì trường không hề được chi đầu tư, chi thường xuyên và chi khác từ Ngân sách nhà nước hay từ nguồn tài chính của Công đoàn; toàn bộ tài sản và tài chính của Trường đều do trường tự thắt lưng buộc bụng để tích lũy, mua sắm.

Từ trước đến năm 2017, ĐHTĐT dù đã từng là Trường đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, rồi Đại học bán công Tôn Đức Thắng thuộc Ủy ban nhân dân TPHCM vẫn chưa bị bất kỳ cơ quan nào yêu cầu phải trích nộp như thế. Hơn nữa, nhà trường vốn dĩ không phải là đơn vị sự nghiệp của Tổng liên đoàn hoặc do Tổng liên đoàn sáng lập.

Tới tháng 4/2019, trong văn bản gửi Trường ĐH Tôn Đức Thắng để tham gia góp ý kiến dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đại diện phía Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra ý kiến trong đó về tài chính: “Đề nghị mục chi thường xuyên của trường bổ sung nộp nghĩa vụ về Tổng liên đoàn theo quy định”.

Tổng LĐLD đòi thu phí – đi ngược Quy định của Chính phủ

Việc trường ĐH Tôn Đức Thắng không thực hiện nghĩa vụ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không phải là không có căn cứ”. Nhà trường được chuyển từ đại học bán công thuộc UBND TPHCM về Tổng liên đoàn năm 2008. Khi chuyển Trường về Tổng liên đoàn, để hướng dẫn xây dựng Qui chế tổ chức và hoạt động của Trường, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 3995/VPCP-KGVX ngày 18/06/2008 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ.

Theo văn bản này, “về mặt quản lý nhà nước, cơ chế tổ chức của Trường được thực hiện như một trường công lập với cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn; về mặt tài chính,Trường không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.Tài sản được hình thành cho đến nay được coi là tài sản của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam;không điều chuyển khỏi trường mà chỉ để phục vụ cho việc đào tạo của Trường”.

Ngoài ra, Văn bản này cũng nêu rõ: “Không chuyển các thu nhập của trường (học phí, các tài trợ khác, khoản thu từ hợp đồng nghiên cứu khoa học, dịch vụ, biểu tăng) cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc bất cứ tổ chức, cá nhân nào ngoài trường”.

Quy định trên của Chính phủ cũng đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ghi nhận trong văn bản trả lời ĐH Tôn Đức Thắng vào ngày 29/11/2017. Văn bản ghi rõ: “Xét Nghị quyết 77 của Chính phủ và văn bản 3995 của Văn phòng Chính phủ ngày 18/6/2008 về việc xây dựng quy chế hoạt động của Trường cho phép Trường ĐH Tôn Đức Thắng hưởng cơ chế đặc thù. Đoàn kiểm tra ghi nhận ý kiến và sẽ xin ý kiến của Thường trực Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn về nội dung này”.

Tuy nhiên, phát biển trên báo chí chiều 8/6, ông Phan Văn Anh – Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định: “Chưa thu đồng nào của trường”.

Ông Phan Văn Anh cũng cho biết thêm, LĐLĐ TP.HCM trước đây và Tổng LĐLĐ Việt Nam sau này (với tư cách là đơn vị quản lý trường) đã tạo điều kiện hết sức như cấp vốn, cho vay vốn, giao quản lý, sử dụng đất đai, đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp đất, với số tài sản được giao cho trường quản lý, sử dụng và cho vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong tâm thư gửi Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cán bộ Trường ĐH Tôn Đức Thắng viết:

Chúng tôi cùng đứng tên dưới đây là Ban chấp hành Công đoàn Trường đại học Tôn Đức Thắng, cùng thiết tha kính gửi đến các Đồng chí lời kêu cứu; rất mong các đồng chí quan tâm, đọc đơn của chúng tôi và sớm có những quyết định, hành động phù hợp để cứu lấy Trường đại học Tôn Đức Thắng (viết tắt: ĐHTĐT); một đại học công lập không nhận Ngân sách nhà nước hay tài chính của Công đoàn Việt Nam, trong gần 22 năm qua đã phát triển từ những bàn tay trắng, trở thành đại học đẳng cấp quốc tế và đứng thứ 2 Việt Nam, trở thành hình mẫu về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập thành công. Mô hình về tự chủ đại họcnày có nguy cơ sẽ bị xóa sổ hay ít nhất bị suy thoái, tan rã, và tác động xấu ngay tức khắc đến quyền lợi học tập của24.000(hai mươi bốn ngàn nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên) cũng như1.350người lao động là trí thức trình độ cao của đất nước (trong đó có 201 giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia nước ngoài) vì hành động sai trái và không tuân thủ pháp luật; lạm dụng quyền lực để hành xử tùy tiện của Thường trực Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và cụ thể là cá nhân ông Chủ tịch Tổng liên đoàn.

Đơn này chúng tôi không gửi đến Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh hay Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vì chúng tôi tin rằng một khi đơn vị đứng đầu Công đoàn Việt Nam mà còn không tuân thủ pháp luật và có những chỉ đạo sai trái với Nhà trường, thì chỉ có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước mới có thể can thiệp được.

Vì tương lai của một ngôi trường tự chủ thành công nhất đất nước, là hình mẫu đại học của nhiều trường khác, có uy tín và đẳng cấp quốc tế, vì công ăn-việc làm và tương lai của25000thầy-trò ĐHTĐT, chúng tôi tha thiết mong các Đồng chí nghe lời kêu cứu; có biện pháp xử lý ngay hành vi không tuân thủ luật pháp, sai trái, lạm dụng quyền lực để hành xử tùy tiện một cách có hệ thống của Thường trực và cá nhân Chủ tịch Tổng liên đoàn để bảo vệ sự trong sáng của Đảng, tính nghiêm minh của pháp luật; ngăn ngừa những hậu quả xấu từ những hành vi sai trái này.

Hoàng Nam/GD&TĐ

Bài cùng chuyên mục