SCIC ‘hạ giá’ Dược Lâm Đồng sau gần 2 năm ‘giằng co’ với Nguyễn Kim?

Mức giá khởi điểm SCIC đưa ra bán trọn lô cổ phiếu LDP là 28.100 đồng/cổ phần, giảm hơn nhiều so mức giá gần 2 năm trước Nguyễn Kim chào mua.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa có thông báo đưa gần 2.5 triệu cổ phần của CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar, HNX: LDP) ra bán đấu giá trọn lô với giá khởi điểm 28.100 đồng/cổ phần, tương ứng giá khởi điểm cả lô hơn 70 tỷ đồng.

Số cổ phần chào bán chiếm 31,88% vốn điều lệ của Dược Lâm Đồng. Thời gian đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 10/10/2019 tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Trong khi đó, trên thị trường, cổ phiếu LDP đang giao dịch quanh mức 23.200 đồng/cổ phiếu. Nghĩa là giá khởi điểm đấu giá trọn lô của SCIC đưa ra cao hơn 21% so với thị giá hiện nay của cổ phiếu LDP.

Cùng ngày, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) thông báo điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại LDP từ 49% xuống 0%. Nghĩa là đã có đối tác trong nước đồng ý mua số cổ phần này từ SCIC?

Trụ sở Dược Lâm Đồng.

Đây không phải là lần đầu SCIC đưa ra đấu giá số cổ phần này của LDP. Hồi tháng 10 và 12/2017, SCIC đã đăng ký bán hết toàn bộ 2,5 triệu cổ phần LDP, tương ứng 33,8% vốn khi đó.

Đáng nói, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) chính là đơn vị đăng ký chào mua cổ phần LDP từ SCIC khi đó với giá đưa ra tối đa 32.000 đồng/cổ phiếu.

Theo Nguyễn Kim, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Sau chào mua, Dược Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.

Tuy nhiên, giao dịch cuối cùng đã không diễn ra. SCIC cũng không thông báo về nguyên nhân dẫn đến việc giao dịch không thành công.

Sau đó, Nguyễn Kim có vài lần chào mua LDP nhưng mức giá ngày càng hạ xuống so với ban đầu, quanh mức 23.000 – 25.000 đồng/cổ phiếu.

Đến tháng 5/2019, Nguyễn Kim chính thức gom được Ladophar về chung một báo cáo tài chính hợp nhất khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,15%.

Kinh doanh thu lỗ nhưng Dược Lâm Đồng có gì mà Nguyễn Kim kiên trì gom nhiều năm qua?

Về Nguyễn Kim, Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cùng Thương mại Nguyễn Kim là hai pháp nhân đều có liên quan tới ông Nguyễn Kim.

Ông Kim hiện là chủ tịch của Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, doanh nghiệp có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và đăng ký kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản.

Trong khi đó, Thương mại Nguyễn Kim, doanh nghiệp do ông Kim là cổ đông sáng lập, hiện là đơn vị vận hành chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Về Dược Lâm Đồng,Công ty bắt đầu hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ từ quý 1/2018 đến nay, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm tháng 6/2019 lên con số hơn 14 tỷ đồng.

Năm 2019, Dược Lâm Đồng đặt kế hoạch có lãi 5 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đã chìm trong thua lỗ thì liệu kế hoạch này có thành hiện thực?

Tại thời điểm cuối tháng 6/2019, tổng tài sản của Dược Lâm Đồng ghi giảm 1,8% so với đầu kỳ, xuống mức 263 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính của Dược Lâm Đồng (Nguồn VietstockFinane)

Vậy ở Dược Lâm Đồng có gì mà Nguyễn Kim kiên trì gom mua trong thời gian qua?

Theo bản công bố thông tin, Dược Lâm Đồng có tới 20 lô đất làm những nhà thuốc bán lẻ, văn phòng, kho dự trữ, nhà máy sản xuất dược.

Trong đó, có nhiều lô đất diện tích lớn 8.100m2 tại thị trấn Di Linh, hơn 1.385m2 tại huyện Lạc Dương, hơn 942m2 tại thị trấn Di Linh, hay lô đất tại Thành phố Bảo Lộc rộng 2.525m2, hơn 11.800m2 tại Thành phố Đà Lạt…

Có lẽ điểm thu hút của Dược Lâm Đồng là nằm ở những lô đất này chăng?

Theo Minh An/ Vietnamdaily

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục