Mùa lá đổ ở bàu Cá Cái
Một bức tranh đẹp như cổ tích ở bàu Cá Cái (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi hàng triệu cây cóc trắng trở mình thay lá. Vẻ đẹp mùa thu như ở các nước ôn đới đang hiện ra tại Quảng Ngãi.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Bùi Thanh Trung (TP Quảng Ngãi) quả quyết với chúng tôi rằng vào tiết trời thu, hiếm có nơi nào ở dải đất hình chữ S này mang vẻ đẹp mê mẩn như bàu Cá Cái.
Như lạc vào tiên cảnh
Từ TP Quảng Ngãi, theo hướng đông bắc vượt hơn 40km sẽ đến trung tâm xã Bình Thuận. Từ đây, những người địa phương sẽ hướng dẫn các bạn đến với khu rừng ngập mặn bàu Cá Cái rộng thênh thang nằm ngay sau chân những quả đồi hình bát úp.
Đứng từ trên điểm cao nhìn xuống khung cảnh bạt ngàn của rừng cây cóc trắng đang vào mùa đổ lá, nguyên một màu trắng ngút ngàn.
Anh Trung bảo rằng trong một lần bay flycam gần khu vực bàu Cá Cái vô tình lọt vào khung ảnh một không gian đẹp. “Chắc chắn bàu Cá Cái là một trong những nơi đẹp nhất tôi từng chụp hình, quay phim về mùa thu” – anh Trung nói.
Mùa xuân cây bắt đầu đâm chồi sẽ thấy một không gian xanh biếc của nước, của lá non và màu trắng của những thân, cành chưa được lá bao phủ. Mùa hè, một màu xanh bất tận trải dài và lá dần úa vàng tạo nên một gam màu rất đẹp.
Đến mùa thu, lá rụng hoàn toàn và đến khi chớm đông cũng là lúc cây bắt đầu phun những chồi non xanh biếc đầu tiên nơi ngọn. Vẻ đẹp bốn mùa ở bàu Cá Cái đang dần thu hút du khách tìm đến đây hít hà mùi thiên nhiên hoang lành và thả đôi mắt mình ngắm nhìn những bản làng nên thơ với những con người sống hiền hòa cùng khu rừng ngập mặn.
Bàu Cá Cái là điểm mới lạ. Ở đây cơ bản chưa có dịch vụ tiện ích nào. Nhưng đổi lại, du khách sẽ tham gia thả lưới, dùng nơm, vó đánh bắt cá cùng người bản địa. Cá tôm ấy sẽ được chế biến để khách cùng ăn với người dân.
Du khách Huỳnh Như (TP Quảng Ngãi) cùng nhóm bạn của mình vừa có chuyến dã ngoại ở bàu Cá Cái tâm sự: “Chúng tôi mới thấy trên mạng xã hội hình ảnh bàu Cá Cái quá đẹp nên quyết định đến chơi. Thật sự đây là chuyến đi quá tuyệt vời. Ngoài việc chụp được những bức ảnh đẹp, nhóm lần đầu tiên được đánh bắt thủy sản ở rừng ngập mặn. Quá thú vị!”.
Cuộc chuyển mình của bàu Cá Cái
Bàu Cá Cái bây giờ được phủ xanh bởi những luống cây tuyệt đẹp, chim, cò bắt đầu đến trú ngụ. Cảnh sắc này khởi nguồn từ những dự án trồng rừng chống biến đổi khí hậu. Từ năm 2014 đến nay, cả triệu ngày công được bỏ ra, biến diện tích mặt nước lầy lội rộng 110ha thành mảng xanh.
Những công nhân trực tiếp trồng rừng đều là người địa phương. Họ đã ở đây bao đời, chứng kiến bàu Cá Cái đìu hiu nhưng giờ là điểm đến của nhiều người nên ai cũng thấy tự hào.
Ông Thanh (xã Bình Thuận) tham gia trồng rừng kể về cái thuở bàu Cá Cái ít tôm cá, chẳng mấy ai quan tâm đến khu đầm lầy này. “Sau mấy năm trồng rừng, giờ cá tôm nhiều hơn trước.
Vịt trời, cò và rất nhiều loài chim về làm tổ. Rừng trồng sống ổn định được giao lại cho nhóm hộ gia đình quản lý chăm sóc và tạo ra nguồn sinh kế mới cho vùng đất còn nhiều khó khăn này” – ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Văn Hân, phó giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, bảo rằng thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ giao khoán hoàn toàn diện tích rừng ngập mặn ở bàu Cá Cái cho người dân bảo vệ. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện cho người dân ven biển vay vốn ưu đãi nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái.
Và mới đây, cảnh đẹp hữu tình của bàu Cá Cái cũng thu hút một số đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, xây dựng tour. Bàn tay con người giúp hồi sinh thiên nhiên đã khởi điểm cho cuộc trở mình ở bàu Cá Cái, nay mang trong mình vẻ đẹp đến mê mẩn lòng người.
Trồng thêm rừng
Hiện nay vẫn còn khoảng 50 công nhân dựng lều bạt, bám trụ ven đầm trồng rừng.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, điều phối viên dự án trồng rừng ngập mặn phòng hộ chắn sóng, cải thiện môi trường sinh thái mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng ven biển ở bàu Cá Cái, tâm sự: “Năm 2014, tiếp nhận trồng rừng chẳng ai nghĩ có cuộc thay đổi hôm nay bởi đầm nước khá sâu.
Để trồng được hơn 80ha rừng như hiện nay phải mất 5 năm trời đóng cọc, lắp phên tre, huy động các phương tiện cơ giới đào đắp đất tạo luống rồi dùng ghe, thúng chuyển cây giống, phân bón ra đầm. Hàng chục công nhân thay phiên nhau trồng rừng. Vất vả nhưng thấy cánh rừng bây giờ thật không uổng công tí nào” – bà Dung nói.
Theo Trần Mai/ Tuổi trẻ