Trước Món Huế, những chuỗi ăn uống đình đám nào phải dẹp tiệm?

Cùng kinh doanh thất bại, nhưng sự khác biệt lớn nhất là khi các chuỗi cửa hàng ăn uống sụp đổ trước đó phần lớn gây tiếc nuối còn Món Huế gây bức xúc dư luận vì kiểu hành xử "xù nợ" của mình.

Món Huế khiến nhiều người bất ngờ

Bước vào những ngày cuối tháng 10, thông tin chuỗi nhà hàng Món Huế đóng cửa trên diện rộng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Sau ngày 22/10, nhiều chi nhánh nằm ở những địa điểm đắc địa của Nhà hàng Món Huế ở TP.HCM đã đóng cửa hoặc “bốc hơi” không dấu vết. Đáng chú ý, ông chủ chuỗi nhà hàng Món Huế có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản sau khi hàng loạt nhà cung ứng nộp đơn tố cáo công ty Huy Việt Nam nợ tiền nguyên liệu.

Trước đó, hàng loạt đối tác tại Hà Nội và TP.HCM đã tố cáo chuỗi nhà hàng Món Huế nợ hàng chục tỷ đồng, từ những khoản nợ vài triệu đồng mực in, đá lạnh, cho tới các khoản nợ vài tỷ đồng với các công ty cung cấp thực phẩm.

Sự sụp đổ của Món Huế gây chú ý cho cả giới đầu tư trong nước lẫn nước ngoài

Về gốc gác, Huy Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài, với vốn điều lệ đăng ký lúc cao nhất là 1.200 tỷ đồng, giảm còn 600 tỷ đồng hồi tháng 4/2019. Công ty do ông Huy Nhật đồng sáng lập, Chủ tịch và kiêm Giám đốc điều hành. Lúc phát triển nhất, công ty có khoảng 100 chi nhánh nhà hàng.

Tháng 4/2015, Huy Việt Nam, chủ thương hiệu Món Huế đã gọi vốn thành công serie C với số tiền lên tới 15 triệu USD (hơn 300 tỷ đồng). Khoản tiền này được rót từ quỹ Templeton Strategic Emerging Markets Fund IV do nhà đầu tư Mark Mobius quản lý. Thời điểm đó, doanh nghiệp này sở hữu 70 cửa hàng trong hệ thống chuỗi của mình. Sau nửa năm nhận vốn đầu tư, con số này là 90.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Chế biến Thực phẩm Huy Việt Nam được thành lập vào tháng 6/2015. Trên webiste của công ty này, Huy Việt Nam cho biết đang quản lý các thương hiệu bao gồm, Món Huế, Phở Ông Hùng, Great Bánh mì & cafe, Cơm Thố Cháy, Phở 99, Iki sushi, Shilla Korean BBQ Restaurant, TP Tea và Mì Quảng Bếp Tâm.

Món Huế đóng cửa diễn ra với diễn tiến bất thường, như việc mất tích khó hiểu của những người thành lập thương hiệu, hay vào ngày 2/10, Huy Việt Nam thay đổi người đại diện theo pháp luật từ ông Huy Nhật sang ông Nguyễn Quỳnh Anh…

Tuy nhiên, cái kết của chuỗi nhà hàng Món Huế thực tế chỉ là một trong những cái tên tiếp nối tiến trình thoái hóa chuỗi kinh doanh F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam. Thực tế, tình trạng hàng loạt chuỗi kinh doanh “chết yểu” thời gian gần đây không ít, mà cụ thể nhất là một thương hiệu trà sữa dưới trướng của The Coffee House.

Ten Ren’s Tea

Cách thời điểm chuỗi Món Huế đóng cửa hàng loạt hơn 2 tháng, ngày 15/7, thương hiệu trà sữa Ten Ren’s Tea đã phát đi thông cáo báo chí về việc tạm ngưng kinh doanh một số chi nhánh và 15/8/2019 sẽ là ngày hoạt động cuối cùng của chuỗi trà sữa có nguồn gốc từ Đài Loan này sau gần hai năm có mặt tại Việt Nam.

Ten Ren’s Tea của Đài Loan có mặt tại Việt Nam thông qua nhà nhận nhượng quyền thương hiệu độc quyền là công ty cổ phần Thương mại dịch vụ Trà – Cà phê Việt Nam, cũng là công ty sở hữu chuỗi cà phê The Coffee House. Với tham vọng xây dựng chuỗi trà sữa phủ sóng khắp Việt Nam, nhà nhượng quyền Ten Ren’s Tea không ngờ rằng tham vọng này chỉ duy trì được 2 năm trước khi ngậm ngùi thừa nhận thị trường Việt Nam đang cạnh tranh quá khốc liệt và họ phải dừng lại.

The KAfe

Sự sụp đổ của “đế chế” Huy Việt Nam còn khiến nhiều người ngay lập tức liên tưởng đến sự ra đi của The KAfe.

Thành lập năm 2013, sau khi huy động thành công 5,5 triệu USD ngay trong vòng gọi vốn đầu tiên từ các quỹ đầu tư tại London và Hồng Kông vào năm 2015, The KAfe trở thành tên tuổi đáng chú ý trên thị trường F&B Việt Nam và liên tục mở rộng. Thậm chí, nhà sáng lập Đào Chi Anh từng là biểu tượng của startup Việt với mô hình chuỗi cửa hàng cà phê. Tuy nhiên không lâu sau, các cửa hàng của The KAfe cũng đóng cửa.

Hồi tháng 6 vừa qua, thông tin CEO The KAfe Đào Chi Anh gọi vốn cộng đồng để đưa The KAfe trở lại “vì cộng đồng giới trẻ” đã gây nên vô số ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Đại đa số giới trẻ không đồng tình hoặc ít quan tâm tới lời kêu gọi #bringthekafeback, vì theo nhiều người, chất lượng The KAfe tại thời điểm đóng cửa là quá tệ so với mức giá.

The Coffee Inn

Tương tự, The Coffee Inn từng là thương hiệu nổi tiếng Hà Nội, doanh thu của chuỗi tăng rất mạnh ở giai đoạn 2013-2014. Tuy nhiên, cũng từ năm 2014, sự nổi lên của một số thương hiệu trà sữa cùng nhiều chuỗi cà phê lớn khác khiến các cửa hàng của The Coffee Inn dần vắng khách. Đến tháng 9/2016, chuỗi này đã phải đóng 3/4 số cửa hàng của mình.

Áp lực chi phí, chủ yếu ở chuyện thuê mặt bằng cũng được cho là nguyên nhân khiến The Coffee Inn thất bại. Trước thời điểm đóng cửa hàng loạt, hầu hết cửa hàng của chuỗi này đều kinh doanh trong tình trạng không đủ bù chi phí.

Gloria Jean’s Coffee

Hơn 10 năm tiên phong xâm nhập thị trường Việt Nam không giúp Gloria Jean’s Coffee sống thọ hơn, trong sự cạnh tranh khắc nghiệt của hàng loạt thương hiệu F&B mới nở rộ. Câu chuyện buồn của thương hiệu này diễn ra khi Gloria Jean’s Coffees – thương hiệu cà phê phổ biến tại Úc “ngậm ngùi” đóng cửa quán cà phê cuối cùng tại Grand View, Phú Mỹ Hưng, trong tháng 4/2017.

Trái với các thương hiệu khác, Gloria Jean’s Coffee được dự đoán “cái chết” từ trước bởi sau gần 6 năm tiến vào Việt Nam, thương hiệu này mới chỉ mở được 6 cửa hàng tại khu vực TP.HCM, tốc độ phát triển khá chậm so với các chuỗi còn lại.

Đến năm 2012, “biểu tượng” của Gloria Jean’s trên đường Đồng Khởi đã bị đóng cửa do chi phí thuê mặt bằng quá cao. Đến cuối năm 2015, số chuỗi cà phê Gloria tại thành phố Hồ Chí Minh giảm một nữa và tiếp tục giảm xuống còn 2 cửa hàng vào cuối năm 2016. Dù đã thâm nhập 39 thị trường trên toàn cầu với độ phủ hơn 1.000 cửa hàng, nhưng tại Việt Nam, Gloria Jean’s Coffees cũng vừa chịu chung số phận với The KAfe.

NYDC

Đầu tháng 11/2009, NYDC chính thức có mặt tại TP.HCM. Theo kế hoạch, ông chủ của Tập đoàn SUTL đặt mục tiêu sẽ có 20 cửa hàng tại Việt Nam trong 5 năm với ước tính sẽ đầu tư 250.000-300.000 USD cho một cửa hàng, chủ yếu tập trung tại các mặt bằng ở trung tâm thành phố, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, việc xác định vị trí này đã khiến NYDC gặp khó, khi chi phí mặt bằng rất cao. Vì vậy, số lượng điểm kinh doanh của NYDC không phát triển được nhiều như kì vọng mà chỉ đếm được trên đầu ngón tay, với 6 cửa hàng. Quán cà phê NYDC cuối cùng tọa lạc ngay trung tâm quận 1, với hướng nhìn ra nhà thờ Đức Bà, công xã Paris đóng cửa vào tháng 7/2016, khiến nhiều người bất ngờ.

Ngày 20/7/2016, NYDC Việt Nam gửi lời chào tạm biệt tới các khách hàng thông qua trang mạng xã hội Facebook và hứa sẽ “trở lại vào một ngày nào đó”. Tuy nhiên mọi người đều ngầm hiểu rằng, ngày trở lại của NYDC Việt Nam, sẽ còn rất xa vời…

Coffee Bar

Kết quả tương tự cũng xảy ra với Coffee Bar, chuỗi cà phê nổi tiếng châu Âu, hay Coffee Bene của Hàn Quốc. Tháng 8/2014, Coffee Bene, một chuỗi cà phê Hàn Quốc, mở cửa hàng đầu tiên tại đường Đồng Khởi, TP.HCM. Với kế hoạch mở ít nhất 3 cửa hàng tại HN vào cuối năm 2014 và dự kiến đạt được 300 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2018. Tuy nhiên, sau đó nó đã hạ mục tiêu xuống còn 100.

Mang theo tham vọng lớn vào thị trường Việt nhưng các chuỗi này đều phải rời đi khi số cửa hàng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Theo kết quả kinh doanh năm 2018 do VIRAC tổng hợp, chỉ 5/10 công ty sở hữu các chuỗi cafe lớn nhất Việt Nam có lãi, bao gồm Highland Cafe, The Coffee House, Starbucks Việt Nam, Phúc Long và Cộng Cafe. Tuy nhiên, lãi sau thuế các chuỗi này thấp đến mức đáng kinh ngạc. Highlands coffee lãi 99 tỷ sau thuế trên doanh thu 1.628 tỷ đồng. The Coffee House có doanh thu 669 tỷ đồng nhưng lãi ròng chỉ 2 tỷ đồng. Starbucks Việt Nam lãi 27 tỷ đồng trên doanh thu 593 tỷ. Phúc Long lãi 3,6 tỷ đồng còn Cộng Cà Phê lãi vỏn vẹn 49 triệu đồng.

Theo Quốc Thái (Tổng hợp)/ Báo Phụ nữ TP.HCM

Link gốc: https://www.phunuonline.com.vn/thi-truong/truoc-mon-hue-nhung-chuoi-an-uong-dinh-dam-nao-phai-dep-tiem-168857/

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục