Sân bay Long Thành và những băn khoăn mang tên ACV

Không nhất thiết phải là ACV vì với cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì vấn đề quốc phòng, an ninh của sân bay Long Thành vẫn được bảo đảm.

Mặt bằng tổng thể Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn hoàn thiện (theo Pre-FS) – Ảnh từ báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1.

Theo chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 12/11 Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1.

Trước đó, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về nội dung này. Với đề xuất của Chính phủ giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư, bản tổng hợp thảo luận các ý kiến từ các tổ phục vụ phiên thảo luận toàn thể cũng phản ánh không ít băn khoăn liên quan đến cái tên ACV.

Cụ thể, về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất: hạng mục 1 (các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước): Giao cho ACV đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý nhà nước thuê lại.

Hạng mục 2 (các công trình phục vụ quản lý bay): Giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 3 (các công trình thiết yếu của cảng hàng không): Giao cho ACV trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Hạng mục 4 (các công trình dịch vụ): Giao cho ACV hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Việc của Chính phủ, Quốc hội không cần cho ý kiến

Qua thảo luận, một số vị đại biểu cho rằng theo quy định pháp luật về đấu thầu, việc lựa chọn hình thức đầu tư (giao cho ACV hay đấu thầu cạnh tranh) thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên Quốc hội không cần cho ý kiến về nội dung này.

Tuy nhiên cũng có quan điểm nội dung này mặc dù thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng có sự đồng tình của Quốc hội thì việc chỉ đạo của Chính phủ sẽ quyết liệt hơn.

Vị khác đề nghị Chính phủ làm rõ theo quy định của Luật Đấu thầu hiện hành thì thẩm quyền chỉ định nhà đầu tư có thuộc Thủ tướng Chính phủ hay không, trường hợp không quy định trong Luật thì Quốc hội mới xem xét, quyết định.

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị áp dụng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm việc lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng có đại biểu đề nghị đưa nội dung lựa chọn nhà đầu tư vào nghị quyết của Quốc hội lần này để Chính phủ thực hiện.

Bên cạnh một số ý kiến nhất trí giao cho ACV thì cũng còn quan điểm đề nghị đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Quốc hội không chỉ định nhà đầu tư cụ thể mà chỉ đồng ý về mặt chủ trương và giao Chính phủ quyết định cũng là quan điểm được một số vị bày tỏ.

Không nhất thiết phải doanh nghiệp nhà nước

Về các hạng mục cụ thể, vị đại biểu đề nghị do tính chất bảo đảm an ninh, quốc phòng và đặc thù của công trình cảng hàng không quốc tế nên để Chính phủ giao cho các doanh nghiệp nhà nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, làm chủ đầu tư của các hạng mục công trình này. Riêng hạng mục thứ tư là những hạng mục khu vực dịch vụ phục vụ hỗ trợ cho cảng thì thực hiện xã hội hóa.

Đại biểu khác cho rằng, trong 4 hạng mục đầu tư, chỉ hạng mục thứ hai là có 1 nhà đầu tư ở Việt Nam tham gia đủ điều kiện, còn 3 hạng mục còn lại có rất nhiều nhà đầu tư có thể thực hiện. Do vậy, đề nghị giao Chính phủ xây dựng một cơ chế đặc biệt trong vấn đề lựa chọn nhà đầu tư.

Việc chia dự án thành nhiều hạng mục đầu tư do nhiều chủ đầu tư khác nhau sẽ dẫn đến khó khăn trong bảo đảm tính thống nhất khi phối hợp thực hiện, nên giao một chủ đầu tư chung, các chủ đầu tư khác tham gia và hưởng theo tỷ lệ vốn góp. Hạng mục 4 có thể mang lại hiệu quả cao nhưng giao ACV chủ trì, nhượng quyền đầu tư hay xã hội hóa đầu tư là không công bằng, đại biểu góp ý.

Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị lựa chọn doanh nghiệp có năng lực thực hiện, không nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước vì với cơ chế kiểm soát chặt chẽ thì vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.

Có ý kiến đề nghị làm rõ nếu chỉ định ACV là nhà đầu tư thì có mâu thuẫn với các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP mà Việt Nam đã ký kết hay không, Tổng thư ký Quốc hội phản ánh.

Một số vị đại biểu thì nhất trí chọn ACV, song vẫn băn khoăn ACV là doanh nghiệp 95% vốn nhà nước. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định tài sản đầu tư bằng vốn doanh nghiệp mà doanh nghiệp có 95% vốn nhà nước thì đó sẽ là tài sản của doanh nghiệp hay là tài sản công theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Nếu hạch toán tài khoản của doanh nghiệp thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu phí sử dụng tài sản.

Băn khoăn nữa của đại biểu liên quan đến tính khả thi trong phương án huy động vốn khi ACV phải thực hiện đầu tư tại nhiều sân bay khác trên cả nước.

ACV là công ty cổ phần, đã niêm yết trên sàn chứng khoán, do vậy, để thuận lợi cho quá trình triển khai và tách bạch, nên thành lập một doanh nghiệp để thực hiện, đại biểu đề nghị.

Trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh khoản vay của doanh nghiệp thực hiện dự án thì các vị đại biểu còn lo sẽ tác động đến nợ công.

ACV là doanh nghiệp nhà nước nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, do đó kể cả việc Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay sử dụng vốn vay ACV, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đề nghị trong nghị quyết của Quốc hội cần nêu rõ Chính phủ  không bảo lãnh đối với khoản vay của doanh nghiệp.

Theo Vneconemy

 

 

 

 

Bài cùng chuyên mục