McDonald’s khó cạnh tranh với… hủ tíu gõ
Rất nhiều chuỗi đồ ăn, đồ uống “làm mưa làm gió” tại các nước nhưng khi nhượng quyền tại Việt Nam, chỉ rầm rộ thời gian đầu rồi dần tiêu biến.
Chuỗi thức ăn nhanh sừng sỏ ở nước ngoài, teo tóp khi vào Việt Nam
Năm 2014, McDonald’s ra mắt rầm rộ tại Việt Nam khiến những thương hiệu thức ăn nhanh có mặt trước đó cũng phải e ngại. McDonald’s liên tục quảng bá để thực hiện mục tiêu mở 100 nhà hàng tại Việt Nam vào năm 2024. Thế nhưng, kế hoạch này xem ra khó thành hiện thực vì đến hết năm 2018, McDonald’s chỉ phát triển được 17 cửa hàng và liên tục báo lỗ.
Theo lý giải của ông Lý Qúi Trung – người sáng lập thương hiệu Phở 24, hiện là CEO Tập đoàn nội thất AKA Furniture – ở thị trường nước ngoài, điểm mạnh của McDonald’s là mở cửa thâu đêm khi hầu hết các cửa hàng ăn uống đều đã đóng cửa. Mặt khác, mức giá của thức ăn, đồ uống McDonald’s thuộc loại rẻ, nên thu hút nhiều sinh viên, người lao động. Tại Úc, chỉ cần bỏ ra trên 10 đô-la Úc là có nguyên combo thức ăn và nước uống. Ngược lại, tại Việt Nam, bất cứ lúc nào trong ngày, cũng có đủ loại thức ăn giá rẻ như hủ tíu, bánh mì, bánh bao, trong khi giá đồ ăn McDonald’s dao động từ 69.000-99.000 đồng/phần.
Bà Nguyễn Phi Vân – chuyên gia nhượng quyền thương hiệu – cho rằng, thức ăn nhanh tại Việt Nam được xem là cao cấp, phục vụ tầng lớp thu nhập khá trở lên. Sự thay đổi về đối tượng tiêu dùng mục tiêu này đòi hỏi mô hình kinh doanh, chiến lược marketing, phát triển chi nhánh phải thay đổi tương ứng để phù hợp với thị trường.
Theo bà Vân, thông thường, thương hiệu nhượng quyền đến một quốc gia mới thì 3 năm đầu tiên là 3 năm hiệu chỉnh và địa phương hóa mô hình để tìm ra hướng đi phù hợp nhất. Sau 3 năm, các thương hiệu mới có thể phát triển nhanh và mạnh. Bằng chứng là KFC đến Việt Nam năm 1997 và phải mất 7 năm “vỡ mộng” trước khi tiến đến con số 140 cửa hàng tại 21 tỉnh thành như hiện tại. Lotteria đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1998 và đang là chuỗi dẫn đầu ngành công nghiệp đồ ăn nhanh trong nước với hơn 200 nhà hàng. Cửa hàng Jollibee đầu tiên được mở tại Việt Nam năm 1996, hiện tại cũng chạm mốc 80 cửa hàng và đạt mức tăng tốt hơn cả Lotteria…
Tiếp cận sai?
Với Phở 24, ở thời kỳ đỉnh cao, thương hiệu này nhượng quyền 64 đối tác không chỉ ở Việt Nam. Theo ông Lý Qúi Trung, khi ông mang thương hiệu Phở 24 ra nước ngoài nhượng quyền với hình thức vừa là nhà nhượng quyền, vừa là cổ đông, tức là với tiệm nào, công ty cũng đổ vốn chứ không nhượng quyền thuần túy. Việc trở thành cổ đông đồng nghĩa với việc có vai trò, có thể xem sổ sách thu chi, xem nhà hàng hoạt động ra sao. Theo ông, ở Việt Nam, càng cần yếu tố này.
Ngoài ra, một doanh nghiệp, cá nhân muốn mua quyền thành công, phải có một “sơ yếu lý lịch” thật tốt. Như trong ngành bán lẻ, nhà hàng ăn uống, vai trò của người chủ rất quan trọng. Nhượng quyền thương hiệu giống như “chọn mặt, gửi vàng”, phải tìm được người thay thế mình vận hành thương hiệu đó. Ở nước ngoài, McDonal’s bắt người chủ phải đi học hai năm “McDonald’s University”, lấy bằng tốt nghiệp, mới được nhượng quyền.
Còn theo bà Nguyễn Phi Vân, dù là tự đầu tư và vận hành hay nhận nhượng quyền thương hiệu, muốn phát triển tốt, cần có đội ngũ quản trị tốt, có chiến lược về mô hình, sản phẩm và phải phù hợp với thị trường.
Một mô hình muốn thành công tại một thị trường mới, cần phải đạt một số yêu cầu như: xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu và hiệu chỉnh mô hình kinh doanh tương ứng bao gồm dòng sản phẩm, cách phục vụ, diện tích chi nhánh (tập trung vào chi nhánh lớn hay ki-ốt nhỏ); xác định và mở rộng các kênh doanh thu khác nhau và đủ linh hoạt để đưa ra những cách làm mới, dù có thể công ty mẹ chưa thực hiện bao giờ; rà soát lại mô hình tài chính, đặc biệt là chi phí giá thành, giá thuê, chi phí lao động; marketing phù hợp với đối tượng tiêu dùng mục tiêu…
Theo Quốc Thái/ Báo Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/thi-truong/mcdonalds-kho-canh-tranh-voi-hu-tiu-go-170333/