Những hòn đảo lạ lùng thế giới
Hiện nay, 1/6 dân số thế giới sống trên các hòn đảo, trong đó không ít hòn đảo vô cùng đặc biệt.
Đảo hay hòn đảo là phần đất được nước bao quanh hoàn toàn nhưng không phải là lục địa. Đảo gồm 2 loại: đảo lục địa và đảo đại dương.
Trong đó, đảo lục địa là phần đất nằm trên thềm lục địa của lục địa. Ngược lại, đảo đại dương không nằm trên thềm lục địa mà hình thành từ hoạt động của núi lửa hoặc từ những hoạt động kiến tạo của mảng địa chất.
Greenland – Đảo lớn nhất
Diện tích Greenland khoảng 2,1 triệu km2, bỏ xa hòn đảo xếp thứ 2 là đảo New Guinea rộng khoảng 785.753km2. Tuy nhiên chỉ với 56.000 người, đây là hòn đảo có mật độ dân số thấp nhất thế giới.
Khoảng 81% diện tích bề mặt Greenland bị băng bao phủ. Băng quá nặng nên nén vùng trung tâm đảo Greenland thành một lòng chảo thấp hơn 300m dưới mực nước biển.
Dân bản địa Greenland đa phần là người Inuit, xuất phát từ vùng Trung Á di chuyển bằng đường bộ qua eo biển Bering qua Alaska rồi đi tiếp tới các đảo ở phía bắc Canada, sau cùng là đến Greenland.
Hiện nay, 90% dân cư sống ở thủ phủ Nuuk và 10% ở các thành phố lớn phía tây khác.
Java – Đảo đông dân nhất
Với 135 triệu người, Java là đảo đông dân nhất thế giới và là một trong những vùng có mật độ dân số cao nhất toàn cầu.
Riêng với Indonesia, Java là nơi sinh sống của 60% dân số. Thủ đô Jakarta của Indonesia nằm trên hòn đảo Java.
Java hình thành có nguồn gốc núi lửa, cụ thể đảo sở hữu 38 núi tạo thành một xương sống theo chiều đông tây.
New Guinea – Đảo có núi cao nhất, nhiều ngôn ngữ nhất
New Guinea là đảo lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ xếp sau Greenland với diện tích 786.000km2.
Các vùng cao nguyên trên hòn đảo này là một trung tâm nông nghiệp độc lập với hệ thống thủy lợi cách đây khoảng 10.000 năm.
Đảo New Guinea có địa hình núi cao, trong đó, ngọn núi Puncak Jaya (4.884m) là ngọn núi trên đảo cao nhất thế giới, cũng là ngọn núi cao nhất ở Indonesia.
Do có lịch sử định cư lâu dài và địa hình chia cắt, số ngôn ngữ bản địa trên đảo cao bất thường hơn, với khoảng 1.000 ngôn ngữ, không những cao nhất trong số các đảo mà còn đứng hạng 1 về mức độ đa dạng ngôn ngữ trên thế giới.
Nauru – Đảo nhỏ nhất
Nauru là hòn đảo hình trái xoan với diện tích 21km2. Đây là quốc gia nhỏ nhất ở nam Thái Bình Dương và nhỏ thứ ba trên thế giới về diện tích, chỉ sau Vatican và Monaco. Đồng thời đây cũng là hòn đảo nhỏ nhất trên thế giới.
Nauru là một đảo đá photphat nên giàu tài nguyên gần bề mặt, có thể dễ dàng tiến hành khai thác lộ thiên.
Đảo có hệ động vật thưa thớt do các nguyên nhân là thiếu thảm thực vật và hệ quả của việc khai thác photphat. Nhiều loài chim bản địa biến mất hoặc trở nên hiếm do môi trường sống của chúng bị phá hoại.
Tuy giàu photphat nhưng nước ngọt tự nhiên ở Nauru rất hạn chế. Các bể chứa trên nóc nhà để tích trữ nước mưa nhưng người dân trên đảo chủ yếu phụ thuộc vào ba nhà máy khử muối tại các cơ quan công ích.
Madagascar – Đảo có hệ sinh thái đặc biệt nhất
Hòn đảo này là ngôi là của nhiều loài độc nhất vô nhị trên Trái Đất. Trong đó khoảng 80% loài thực vật và động vật chỉ có thể tìm thấy ở đây.
Một số nhà khoa học ví von Madagascar là lục địa thứ 8 trên Trái Đất.
Đảo Falkland – Hòn đảo cừu
Quần đảo Falkland nằm tại nam Đại Tây Dương. Các đảo chính của quần đảo nằm cách 500km về phía đông của bờ biển nam bộ Patagonia trên lục địa Nam Mỹ.
Hầu như toàn bộ diện tích của quần đảo được sử dụng làm bãi cỏ cho cừu, đồng thời chăn nuôi cừu lấy len chất lượng cao là ngành kinh tế chủ lực của hòn đảo. Do đó số cừu trên đảo luôn gấp nhiều lần với số dân.
Năm 2012, dân số đảo khoảng 2.932 người trong khi số cừu gần nửa triệu, tính ra cừu gấp 167 lần số dân.
Đảo Ascension – hòn đảo “gớm ghiếc” bị nhầm thư nhiều nhất
Ascension là một đảo ở nam Đại Tây Dương cách bờ biển Châu Phi khoảng 1.600km là lãnh thổ hải ngoại của Anh.
Trong năm 2005, Hãng bưu chính quốc gia Anh (Royal Mail) cho biết, đảo Ascension không nhận được bức thư nào trong vòng 3 tháng. Vì sao? Tất cả thư từ đều được đưa nhầm đến Asuncion, thủ đô của Paraguay.
Năm 1836, Charles Darwin đã gọi hòn đảo này là “gớm ghiếc”. Nếu Galapagos là thiên đường của Darwin thì Ascension là hỏa ngục với đất đá màu đỏ như nham thạch từ đảo núi lửa mới trồi lên cách đây chỉ khoảng 1 triệu năm.
Ascension được các nhà khoa học trước đây lựa chọn làm nơi xây dựng hệ sinh thái nhân tạo đầu tiên trên Trái Đất với các trạm ăng-ten mặt đất theo dõi các vụ thử tên lửa của Mỹ, rác vũ trụ và các nhiệm vụ khác.
Các đảo có hình dạng đặc biệt
Nhi Tuyết/ Theo Hà Nội mới