Asanzo và câu chuyện… quảng cáo
Giờ này chắc chắn mọi người đều thừa nhận, cái tivi Asanzo chả có tí gì về xuất xứ hay công nghệ Nhật Bản. Thế thì tại sao mẫu quảng cáo và câu slogan này vẫn "lọt lưới" nhan nhản trên tivi, báo đài?
Xét về pháp lý, Asanzo có vi phạm Luật Quảng cáo VN áp dụng từ 1/1/2013 hay không ?
Tôi chưa coi bộ hồ sơ xin phép quảng cáo nên chưa thể khẳng định chúng sai sót khâu nào và tại sao nó sử dụng được slogan “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” mà không bị vịn ở đâu đó. Chuyện này không hề hạn hữu và sẽ không bao giờ kết thúc kiểu quảng cáo…sai sự thật (nếu không muốn nói là gian dối) đến như vậy. Liệu Luật Quảng cáo VN có “chặn” được hành vi này của các anh như na ná Asanzo trong tương lai hay không?
Tôi xin khẳng định là: Không !!!
Thứ 6 tuần trước (21/6/2019) tại hội thảo về “Đạo đức quảng cáo ở Việt Nam” (do Bộ VH-TT & DL tổ chức), tôi đã gợi ý về tính cấp bách phải xây dựng “Bộ quy tắc đạo đức trong quảng cáo VN” (10 năm trước tôi đã nói điều này nhưng gần như không có gì gọi là… cấp thiết với cơ quan quản lý và nghiệp đoàn). Luật QC chỉ là phần cứng, nó ra đời từ Nhà nước (Quốc hội) để điều tiết hành vi của chủ thể quảng cáo (gồm Agency và Doanh nghiệp), mà cơ quan hành pháp thì quá rộng để kiểm soát mọi mặt, rất dễ chi phối bởi lợi ích từ chủ thể quảng cáo. Và đương nhiên nó không đủ sự linh hoạt để thích ứng với muôn hình vạn trạng trong đời sống quảng cáo luôn đổi thay, cũng như hàng trăm ngàn chủ thể quảng cáo sáng tạo.
Nhưng với Bộ Quy tắc đạo đức trong quảng cáo (gọi là Bộ quy tắc), chúng tạo ra 3 cạnh tam giác, gồm: Nhà nước, chủ thể quảng cáo và Người tiêu dùng/ cộng đồng xã hội để cùng nhau giám sát.
Bản chất sâu xa của hành vi quảng cáo là xây dựng lòng tin, sự hiểu biết, sự trung thành và yêu thích thương hiệu. Từ đó NTD sẽ thúc đẩy việc mua hàng, kích thích sales và tạo ra doanh thu và lợi nhuận chủ DN. Vậy, chắc chắn chủ thể quảng cáo sẽ SỢ NTD, sợ cộng đồng xã hội hơn mọi thứ, vì nó đánh thẳng vào túi tiền, vào két và lợi ích thực sự của họ.
Bộ Quy tắc hoạt động dựa trên nền tảng văn hoá, lịch sử và các chuẩn mực cơ bản lâu đời của một dân tộc, của cộng đồng số đông trong xã hội. Đặc biệt Bộ Quy tắc sẽ đầy đủ công cụ để bảo vệ nhóm NTD yếu thế, nhận thức hạn chế và dễ bị cám dỗ như: phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số, vùng nông thôn và người già yếu.
Giả sử, khi thấy Asanzo quảng cáo: “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, NTD sẽ gọi đến hỏi, thế nào là công nghệ NB. Hội đồng điều hành Bộ Quy tắc có thể yêu cầu chủ thể quảng cáo trình bày, nếu không rõ nghĩa, gây ngộ nhận sẽ yêu cầu tạm dừng quảng cáo để điều tra. Và như vậy, mức độ lan truyền của thông điệp bị gián đoạn, suy giảm để tránh ngộ nhận hay tin tưởng quá mức vào thông điệp truyền thông này mạnh mẽ.
Đây là một câu chuyện vô cùng thú vị mà tất cả các nước tiên tiến đều có. Tôi đã dành khá nhiêu thời gian nghiên cứu, gặp gỡ các nước Úc, Nhật, Châu Âu nhưng rất tiếc là… lực bất tòng tâm (!). Lòng vẫn còn đau đáu về nó..
Đỗ Kim Dũng/ Theo Diễn đàn Doanh nghiệp