“Bất động sản không dành cho người yếu tim”

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc CTCP Bất động sản Đại Phúc Land tại Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” sáng nay (6/1).

Bức tranh sáng hay trầm là do người vẽ

Nhận định về thị trường bất động trong năm 2019 và dự báo triển vọng năm 2020, bà Nguyễn Hương cho biết, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim” vì nhiều rủi ro.

Trong năm 2019 trong khi toàn cảnh bức tranh vĩ mô phần lớn màu sáng nhưng thị trường bất động sản vẫn gam màu xám do bất cập trong về cung cầu kéo theo thanh khoản kém.

Bà Nguyễn Hương cho biết, trải qua 25 năm kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, bà nghiệm ra rằng bất động sản là lĩnh vực “không dành cho người yếu tim”

Theo bà Hương các doanh nghiệp bất động sản nên chú ý đến hai nhu cầu: Thứ nhất, hiện nhu cầu nhà ở tại hai thành phố Hà Nội và TP.HCM vẫn lớn, thứ hai là nhu cầu về đầu tư. Doanh nghiệp bất động sản cần xác định sẽ hướng đến đối tượng nào. Ví dụ nếu nghiêng về nhu cầu đầu tư, khi bị các yếu tố bên ngoài tác động sẽ dễ gặp khó khăn.

“Chúng tôi chọn cân bằng 50-50 để đảm bảo tính bền vững. Chúng tôi cũng định hướng kế hoạch 5 năm 10 năm, phân kỳ đầu tư và đầu tư hợp lý”, bà Hương nói.

Cũng theo bà Hương, bức tranh 2020 là sáng hay trầm là do người vẽ nên bức tranh, trong đó có trách nhiệm hành động của doanh nghiệp, tăng cường năng lực đầu tư, đầu tư cho nhân sự và bắt kịp xu hướng của người dân.

“Năm 2020 là năm chúng tôi mong muốn có một thông điệp đủ mạnh của Chính phủ và Nhà nước về ngắn hạn để doanh nghiệp bất động sản có thể vạch ra được một chiến lược ngắn hạn và dài hạn để đầu tư đúng hướng, đặc biệt là chiến lược đầu tư dài hạn, không chỉ vì lợi ích trước mắt”, bà Hương nói.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2019, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng chậm lại bởi xung đột thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc…

Năm 2020 – Thời của chứng khoán, bất động sản và du lịch

Các chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2019, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tăng trưởng chậm lại bởi xung đột thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc, Nhật Bản – Hàn Quốc… Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được sự tăng trưởng nhờ các yếu tố hỗ trợ tích cực từ môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, các rào cản về thể chế, chính sách từng bước được tháo gỡ, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Theo đó, năm 2019, GDP đã xác lập năm thứ 2 liên tiếp tăng trên 7% kể từ năm 2011 với mức tăng 7,02%. Lạm phát trong khi đó giữ được mức thấp, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỉ USD, doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục…

Bước vào năm 2020, đây được coi là năm bản lề của phát triển kinh tế xã hội của đất nước với việc tổng kết thực hiện các nghị quyết, quyết định quan trọng của Đảng và Chính phủ về chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 – 2020, là năm cuối thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 và đề ra những chiến lược phát triển cho giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, năm 2020 cũng là năm quan trọng của thị trường chứng khoán, đánh dấu mốc 2 năm hoạt động và theo đề án “Cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quy mô thị trường chứng khoán phải tăng cả về chất lượng để trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.

Đối với thị trường bất động sản, đây là kênh đang gây ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập. Ngoài ra, một số lĩnh vực mới nổi như: hàng không, du lịch và giáo dục đào tạo đang thu hút được nguồn nhân lực lớn. Đến năm 2020, được đánh sẽ là giai đoạn mới với nhiều cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.

Diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” diễn ra sáng 6/1.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, nếu xét trên 4 chỉ báo quan trọng nhất của kinh tế vĩ mô là tăng GDP, lạm phát, tăng việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng xuất khẩu thì rõ ràng kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng đối với tình hình kinh tế chung của thế giới.

Còn Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho biết, cần nhìn nhận Việt Nam năm 2020 trong bối cảnh rộng lớn. Năm 2020 không chỉ là năm tổng kết quá khứ mà còn chuẩn bị tương lai với kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn đến năm 2045. Kèm theo đó là sự cải cách, sáng tạo và chỉ tiêu phải thực hiện sự gắn với động lực mới và những đòi hỏi thay đổi về chất trong phát triển: “Chất lượng – hiệu quả – bền vững- bao trùm”.

Theo Quế Sơn/ Dân trí

Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/bat-dong-san-khong-danh-cho-nguoi-yeu-tim-20200106135833215.htm

 

Bài cùng chuyên mục