Vận đen đeo bám, doanh nghiệp địa ốc đua nhau phá sản

Nhiều chuyên gia cho rằng thông tin hàng trăm doanh nghiệp phải giải thể trong năm 2019 sẽ mang lại một diện mạo mới cho toàn thị trường trong năm 2020.

Gần 700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong năm 2019

Theo báo cáo mới nhất của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có hơn 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể vì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, không đủ kinh phí hoạt động.

Theo các chuyên gia, điều này vừa là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp có tiếng tăm nhưng cũng là nỗi vui mừng của các nhà đầu tư. Bởi lẽ, thời gian qua lĩnh vực bất động sản tồn tại quá nhiều bất cập đến từ hàng trăm doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn hoạt động đã gia nhập gây náo loạn thị trường. Trong đó, nổi bật nhất là cú lừa siêu hạng với tổng số tiền lên đến 2.500 tỷ của Tập đoàn địa ốc Alibaba khiến hơn 7.000 nhà đầu tư đất nền lao đao.

Trong khi đó, thị trường lại chưa có cơ chế nào rõ ràng cho các công ty bất động sản mới gia nhập, dẫn đến tình trạng khắp nơi đều mọc lên các công ty môi giới, công ty kinh doanh bất động sản… Thậm chí, một tạp hóa cũng để biển là Công ty bất động sản, đi đâu nhà đầu tư cũng bắt gặp các tên công ty có đuôi “Land”. Khách hàng chỉ cần thiếu cẩn trọng một chút thôi thì dễ dàng dính bẫy của những đơn vị làm ăn thiếu minh bạch.

Thị trường có sự sàng lọc mạnh là tín hiệu đáng mừng cho nhà đầu tư

Do đó, theo các chuyên gia, những khó khăn của thị trường thời gian qua cũng đã góp phần “thanh lọc” lại, đào thải bớt những doanh nghiệp thực lực yếu, làm ăn theo phong trào, mượn mác DN BĐS hoạt động dưới nhiều mục đích khác… đẩy rủi ro về phía khách hàng.

Thị trường được sàng lọc, cơ hội tốt cho nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, thời gian qua khá nhiều doanh nghiệp đã “bán lúa non”, huy động vốn bằng mọi giá, đặt cọc bằng mọi cách, pháp lý ngổn ngang… rồi để mặc cho khách hàng trong vòng kiện tụng, tranh chấp luẩn quẩn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân lớn khiến chính quyền phải ra sức siết chặt, đẩy thị trường rơi vào thế ảm đạm.

Theo anh Lê Quang Anh, một nhà đầu tư lâu năm ở TP.HCM, việc các doanh nghiệp khó khăn, giải thể nhiều trong năm 2019 là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường trong thời gian tới. Bởi lẽ, khi thị trường đã có sự sàng lọc, doanh nghiệp sẽ phải nhìn nhận lại nội bộ của chính mình, kiểm soát hoạt động ở các dự án, chú trọng đào tạo môi giới bán hàng theo đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.

Anh Anh cho rằng, muốn thị trường được khai thông thì doanh nghiệp trước tiên phải nhìn ra được nguyên nhân sâu xa khiến thị trường tắc nghẽn thì mới có cách để gỡ rối.

“Bởi lẽ, chính sách có giật cục, thị trường có khó khăn nhưng doanh nghiệp không nhận ra lỗi của mình trước thì tôi tin doanh nghiệp BĐS sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khác trong những năm tới. Và khi đó, không chỉ 700 doanh nghiệp nhỏ lẻ này mà sẽ có rất đông những doanh nghiệp tiếng tăm khác cũng sẽ phải rời cuộc chơi”, nhà đầu tư nêu ý kiến.

Đứng ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng đây là một tín hiệu đáng mừng của thị trường. Bởi khi thị trường có sự sàng lọc, các cơ quan nhà nước cũng dễ dàng kiểm soát các hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phải tự chấn chỉnh những điểm chưa tốt, chú trọng phát triển những dự án chất lượng hơn, có tính khả thi hơn và góp phần giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư.

“Khi mà thị trường quá nhiễu loạn, đâu đâu cũng thấy doanh nghiệp bất động sản hoạt động thiếu minh bạch, liên tục vướng kiện tụng, người người bị lừa mất tiền vì kinh doanh bất động sản thì sẽ không còn ai dám đổ tiền vào đất nữa.

Khi thị trường có sự sàng lọc bớt thì các hoạt động của các doanh nghiệp cũng sẽ phải minh bạch hơn, đổi lại cơ hội để phát triển của các doanh nghiệp cũng cao hơn, thị trường ổn định hơn và các dự án cũng sẽ chất lượng hơn. Đây là một điểm lợi lớn cho khách hàng”, luật sư Trần Minh Cường nhận định.

Chung quan điểm đó, anh Nguyễn Văn Hùng – Trường văn phòng Hội môi giới BĐS Khu vực phía Nam nhận định, thời gian tới thị trường BĐS sẽ có sự điều chỉnh theo hướng các DN chú ý phát triển thương hiệu, có tiềm lực, có uy tín, phát triển dự án có chiều sâu để trụ lại trước nguy cơ bị đào thải. Khi không còn những doanh nghiệp lừa đảo, chụp giật … thì chắc chắn thị trường BĐS sẽ minh bạch, nhà đầu tư và khách hàng sẽ yên tâm hơn.

Theo Khánh Hòa/ VietNamNet

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/gan-700-doanh-nghiep-bds-giai-the-trong-nam-2019-606024.html

 

Bài cùng chuyên mục