CEO Vinamilk Mai Kiều Liên: “Làm sao để nhân viên thích về nhà lúc 5h chiều và thích đến công ty lúc 8h sáng, tôi nghĩ đó mới là thành công”

Không mấy bất ngờ khi CEO Vinamilk Mai Kiều Liên lọt vào top 50 những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam năm 2019 mới được công bố bởi Forbes.

Ai cũng hiểu thành quả đó chính là “quả ngọt” của sự quả quyết, dám nghĩ dám làm, bền bỉ… của bà. Tất cả sự tận tâm đó đã giúp Mai Kiều Liên cũng như Vinamilk chạm tới thành công, khẳng định giá trị mới của người phụ nữ thời hiện đại.

Ít ai có thể ngờ rằng, lý do khiến CEO Vinamilk – bà Mai Kiều Liên đến với ngành sữa là theo lời khuyên của ba. “Khi học đại học tại Nga, khác với các bạn trẻ bây giờ, chúng tôi không được chọn ngành. Thời đó, Nhà nước phân công ngành nào thì phải học ngành đó.

Khi đoàn học viên di chuyển tới biên giới Trung Quốc – Liên Xô thì có thông báo bốn người được lựa chọn học ngành công nghệ sữa trong đó có tôi. Thú thật lúc đó cả hội trường đã cười, còn tôi thì ngỡ ngàng lắm, vì nghe ngành sữa thấy rất bình thường. Miền Bắc chỉ có nông trường Mộc Châu có vài trăm con bò do Cu Ba viện trợ, nấu bánh sữa cũng rất khó khăn. Công nghệ chế biến sữa thì hoàn toàn không có.

Nghe phải đi học ngành sữa thì thật sự thấy thất vọng. Sau một năm học tiếng Nga, tôi vẫn nuôi hi vọng được chuyển ngành mà mình yêu thích. Tôi có đam mê với vật lý và cũng mong muốn được học ngành này. Thời điểm đó, vật lý, hóa học được xem là ngành thời thượng của xã hội. Nhưng trước khi đưa ra quyết định, tôi có nghe ý kiến một người.

Tôi xin ý kiến của ba mình về việc học ngành nào cho đúng đắn thì nhận được lời khuyên là tiếp tục học ngành sữa. Ba tôi đưa ra lời khuyên trước khi đi B chiến đấu. Ông cho rằng, sau chiến tranh việc cần thiết nhất vẫn là cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em và sữa chính là chìa khóa để làm chuyện này. Sau lời khuyên này thì tôi xác định theo đuổi ngành sữa một cách nghiêm túc”.

 

 

Khi được hỏi về bước đầu kết duyên cùng sữa, bà Liên cũng không giấu nổi sự bồi hồi xúc động khi nhớ lại chuyện xưa.

Công ty Sữa – Cà phê Việt Nam, tiền thân của Vinamilk ra đời trong bối cảnh đất nước vừa thống nhất. Sau chiến tranh, ngành sữa Việt hoàn toàn không có gì, kể cả đàn bò. Máy móc, thiết bị cũ, mọi nguyên liệu đều phải nhập ngoại. Có 2 nhà máy công suất thiết kế 196 triệu tấn một năm, nhưng thực tế, Vinamilk chỉ sản xuất 8 triệu tấn. Một nhà máy phải đóng cửa vì không có nguyên liệu.

DCIM100MEDIADJI_0521.JPG

Lúc bấy giờ, động lực lớn nhất mà tất cả nhân viên dồn tâm trí và sức lực xây dựng ngành sữa Việt Nam chính là làm sao để tạo nguồn dinh dưỡng phát triển thể lực trí tuệ, tầm vóc thế hệ trẻ. Và rồi khi ổn định thị phần trong nước, công ty tính chuyện xuất khẩu. Kế hoạch này đã hiện thực hóa vào năm 1997, chúng tôi đi vào vùng chiến sự tại Iraq để có thể ký kết hợp đồng với đối tác. Thành tựu bước đầu đó là nền tảng duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hai con số của Vinamilk, giá trị khoảng 300 triệu USD mỗi năm.

Cuối thập niên 90, Vinamilk từng đứng trước thời khắc lựa chọn “bán mình” hay “giữ mình”. Nếu để đối tác doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm 70% cổ phần, công ty còn 30% đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không còn tiếng nói trong điều hành.

Nếu chấp thuận lời đề nghị thì lương lãnh đạo rất cao nhưng thu nhập của công nhân lại không tốt. Quyết định cuối cùng là dù vất vả nhưng để tất cả mọi người cùng vận động. Kết quả là Vinamilk có được như ngày nay.


Nhiều người thường nghĩ rằng chỉ có nam giới mới là người lãnh đạo giỏi. Thế nhưng bà Mai Kiều Liên lại cho rằng, dù là phái yếu hay phái mạnh thì đều có bí quyết lãnh đạo riêng. Cơ bản là mình phải chân thành, là tấm gương sáng, đủ năng lực dẫn dắt đội ngũ công ty đi lên, cuộc sống mọi người khá lên.

 

Nói về tiêu chí của người lãnh đạo, vị Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho quan trọng nhất vẫn là phải có kiến thức. Có kiến thức thì mình ra quyết định đúng đắn, sát thực hơn, từ đó tìm ra mắt xích để giải quyết mọi khó khăn.

Là nữ giới, tôi nghĩ lãnh đạo nữ chỉ thua nam về sức mạnh cơ bắp, còn tất cả mọi thứ, từ kiến thức, đạo đức, đến đối nhân xử thế… đều giống nhau. Cái nữ tính nằm ở chỗ biết lắng nghe và thấu hiểu. Đó là bản năng, dù có quyết định gì cũng luôn luôn lắng nghe người đối diện. Quan trọng nữa là ý chí không buông bỏ, nếu mình biết mình làm đúng thì cứ đi tới, từng bước một, chắc chắn sẽ thành công.


Với cá nhân người phụ nữ, điểm mạnh là có tính chi tiết nên bản thân tôi làm việc gì cũng có kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ mọi phương án và luôn lo xa cho mọi rủi ro có thể đến.

Đừng bao giờ đưa tôi ký duyệt những sản phẩm mà người ta làm lời lắm. Tất cả đều phải là sản phẩm mới thì mình mới đi đầu trên thị trường.

Mặc dù giữ chức vụ cao nhưng bà Mai Kiều Liên vẫn cân bằng thời gian cho công việc và gia đình. Bà chia sẻ, ai cũng có 24 giờ mỗi ngày nên tôi dành thời gian cho công việc là 8 giờ, thời gian ở nhà 8 giờ và thời gian ngủ là 8 giờ. Trong đó, thời gian ở nhà là lúc vợ chồng, gia đình thống nhất với nhau, cùng con cái làm việc nhà.

Mọi người hay hỏi tôi tại sao gia đình không có người giúp việc. Đây cũng là điều tốt nhưng với riêng hoàn cảnh gia đình tôi là do tôi không muốn có. Vì tôi không muốn con cái ỷ lại, không muốn con cái có ý định sai khiến, làm phiền người khác. Vợ chồng tôi sẽ cùng con cái tìm cách phân chia, giải quyết – đó là kinh nghiệm của bản thân tôi.

Theo Doanhnhan.vn

Bài cùng chuyên mục