Bánh kẹo nhái thương hiệu ngoại chen vào giỏ quà tết
Phần lớn giỏ quà tết trên thị trường là sản phẩm cũ, hàng ngoại có chất lượng mập mờ, thậm chí người ta còn độn sản phẩm nhái vào giỏ quà.
Giỏ quà hàng ngoại giá siêu rẻ
Trong giỏ quà tết được trưng bày tại các chợ, cửa hàng, đa phần là bánh kẹo ngoại nhập, nhiều nhất là từ Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc. Nhưng điều lạ là các giỏ quà này có giá khá rẻ, dao động từ 300.000-900.000 đồng.
Tại một điểm chuyên bán bánh kẹo và giỏ quà tết ở đường số 6, khu dân cư Trung Sơn, H.Bình Chánh, TP.HCM, người bán tên V. hỏi chúng tôi muốn mua giỏ quà tết bao nhiêu tiền. Chúng tôi khá bất ngờ vì giỏ quà toàn bánh kẹo ngoại nhưng giá lại rẻ bằng phân nửa trên thị trường.
Chẳng hạn, bánh GoodBis gà quay và phô mai loại 300g của Malaysia có giá trên thị trường là 52.000 đồng nhưng được cửa hàng này bán với giá 35.000 đồng; kẹo Kopiko hũ loại 135g của Indonesia chỉ 15.000 đồng (giá thị trường 26.000 đồng); bánh quy bơ Mỹ Risen Premium Cookies 450g giá chỉ 70.000 đồng (giá thị trường 180.000 đồng); bánh quy bơ sữa Butter Cookies No Brand 400g của Hàn Quốc giá chỉ 70.000 đồng (giá thị trường 90.000 đồng); combo hai hộp khoai tây lon Hàn Quốc Potato Chip Original giá 35.000 đồng (giá thị trường 95.000 đồng)…
“Bên em lấy được nguồn hàng gốc nên có giá rẻ. Năm nay, các giỏ dùng nhiều bánh kẹo ngoại vì bao bì đẹp, ngon, giá lại rẻ. Khách hàng có xu hướng mua riêng lẻ từng món rồi tự làm giỏ để tiết kiệm chi phí, nhưng họ cũng thích chọn bánh kẹo ngoại hơn nội” – V. nói. Với giá mà V. đưa ra, chỉ cần 300.000 đồng là đã có giỏ quà toàn bánh kẹo ngoại.
Tại các sạp bánh kẹo trong chợ sỉ Bình Tây (quận 6, TP.HCM), lượng bánh ngoại từ Thái Lan, Hàn Quốc về nhiều hơn mọi năm với hàng trăm chủng loại, thương hiệu, nhưng giá cũng không rẻ bằng cửa hàng trên tại H.Bình Chánh. “Với mức giá bán ra, cửa hàng trên phải có lời ít nhất bằng 1/3 giá sản phẩm. Nếu vậy, giá thật của sản phẩm còn rẻ hơn nhiều. Không hiểu họ lấy bánh kẹo ở đâu mà có giá quá rẻ như vậy” – người bán tại sạp bánh kẹo Chính Hằng nói.
Cũng tại sạp này, chúng tôi gặp không ít mối lái từ miền Tây lên lấy hàng, họ chọn các loại bánh quy Hàn Quốc về bán lẻ hoặc thêm vào các giỏ quà tặng. Hỏi ra mới biết, giá hộp bánh quy này chỉ 55.000 đồng/hộp giấy và 70.000 đồng/hộp thiếc. Bánh của nhiều thương hiệu Hàn Quốc như Samjin, Silang, Toek Socola CW, Crown, Ummasol, Earl Grey… chỉ có giá từ 70.000-170.000 đồng/sản phẩm, tùy hộp giấy hay thiếc, trọng lượng. Trong khi đó, các loại bánh nội vẫn nằm một góc, ít có khách hàng lựa chọn.
Bỏ hàng nhái vào giỏ quà tết
Trong các giỏ quà làm sẵn bày bán trên thị trường, có tình trạng chủ cửa hàng dùng các loại hạt đã cũ của năm trước, thậm chí độn các loại bánh có tên giống thương hiệu nổi tiếng để có giá rẻ hơn.
Tại cửa hàng T.Q. trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, TP.HCM, 5 nhân viên tất bật làm giỏ quà gồm các hộp bánh kẹo, mứt, các loại hạt điều, dẻ, dưa, bí… Chúng tôi thấy nhân viên xúc các loại hạt cho vào hộp nhựa cân ký rồi dán băng-rôn đỏ in chữ chúc mừng năm mới. Họ phân loại mứt, hạt bán lẻ cho khách riêng, còn hàng cho vào giỏ quà là hàng xá đựng trong bịch. Thấy màu sắc, mùi vị hai loại khác nhau, có loại hạt bốc mùi cũ mốc, chúng tôi thắc mắc thì nhân viên cho biết, bà chủ cửa hàng yêu cầu dùng mứt, hạt trong năm còn tồn để gói giỏ quà, còn hàng mới nhập để bán lẻ với giá cao hơn. Giá dao động khoảng 300.000-600.000 đồng/giỏ, phục vụ khách bình dân, hoặc công ty, xí nghiệp đặt số lượng lớn tặng công nhân dịp tết.
Đến một cửa hàng không có bảng hiệu, chuyên bán giỏ quà tết trên đường Quách Điêu (tổ 8, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh), chúng tôi thấy trong các giỏ quà này, có hộp bánh tên Damisa Nhất Nam, có vỏ hộp giống thương hiệu nổi tiếng Danisa và bánh OSEO Nhất Nam cũng có bao bì giống hệt thương hiệu OREO của Mondelez Kinh Đô. Các loại bánh giống thương hiệu nổi tiếng này thường có giá rất rẻ.
Chẳng hạn, bánh Damisa Nhất Nam chỉ 90.000 đồng/hộp thiếc 400g trong khi bánh Danisa có giá 125.000 đồng/hộp 454g; bánh OSEO Nhất Nam giá 85.000 đồng/hộp, trong khi bánh OREO giá 131.000 đồng/hộp. Công ty sản xuất hai loại bánh này được ghi là Công ty Bánh kẹo Tùng Phát, nằm trong khu công nghiệp Lai Xá, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội.
Bên trong cửa hàng, nhân viên ngồi gói các giỏ quà bên cạnh các hộp bánh Damisa Nhất Nam và OSEO Nhất Nam. “Các giỏ quà ở đây bán ra 300.000-500.000 đồng/giỏ, tất cả đều có phối hai hộp bánh Damisa và OSEO vì giá rẻ, phù hợp túi tiền khách hàng” – chủ cửa hàng này nói.
Tại cửa hàng tạp hóa T.T. trên đường Phan Văn Đối, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, TP.HCM, chúng tôi lại thấy trong giỏ quà có bánh Damisa loại hộp giấy, giá 40.000 đồng/hộp, do Công ty TNHH Bánh kẹo Việt Pháp (phố Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) sản xuất. Ngoài ra, tại cửa hàng này, còn có bánh trứng Custard Bảo Hưng của Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất Yến Sào Việt Nam với tên và bao bì gần giống thương hiệu Custas của Orion.
Khi chúng tôi hỏi những sản phẩm trên có phải là bánh nhái thương hiệu nổi tiếng hay không, các chủ cửa hàng vội lớn tiếng: “Làm ơn đọc kỹ thương hiệu. Bánh tôi bán là Damisa. Tôi chưa bao giờ nói đây là bánh của thương hiệu Danisa trong siêu thị đang bán. Hai công ty, hai thương hiệu khác nhau, ảnh hưởng gì nhau đâu mà gọi là bánh giả? Vậy những ai có tên trùng với tôi đều là giả hay sao? Ở đây nhiều người kén chọn, ít dùng nên không nhiều cửa hàng bán. Ra Bà Rịa – Vũng Tàu hay Biên Hòa thử đi, tiệm tạp hóa nào cũng bán bánh này, người dân mua ầm ầm, ai nói gì đâu”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những thương hiệu bánh như Damisa, OSEO, Custard phần lớn được bán ở các tiệm tạp hóa vùng ven, quanh các khu công nghiệp, vùng nông thôn và khách hàng mua nhiều nhất là công nhân, người có thu nhập thấp. Các chủ cửa hàng, các điểm bán hàng online thường lấy bánh này độn những vào các giỏ quà tết để giỏ quà có giá rẻ hơn.
Theo Thanh Hoa – Nguyễn Cẩm/ Báo Phụ Nữ TP.HCM
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/banh-keo-nhai-thuong-hieu-ngoai-chen-vao-gio-qua-tet-a1400478.html