Năm hết tết đến và những dự án “Tết Công Gô” mới giao nhà

Dù năm mới Âm lịch đã cận kề, người người tất bật việc bán buôn, kinh doanh, chuẩn bị tết nhất, thì vẫn còn không ít khách mua nhà tại các dự án phải bỏ bê công việc vác băng rôn, biểu ngữ đi kiện tụng các chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết.

Nhiều dự án triển khai hàng chục năm trời nhưng vẫn không thể bàn giao nhà. Ảnh: Trọng Tín

Những cuộc chiến “đòi nhà”

Phản ánh với phóng viên, bà Lê Thị Tuý, khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư Cao ốc Xanh (tại quận 9, TP.HCM) cho biết, năm 2012, bà mua căn hộ số B09-10 thuộc Block B với giá hơn 883 triệu đồng, tương ứng với 95% giá trị căn hộ. 5% còn lại sẽ được thanh toán sau 7 ngày khi chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 (CIC8) thông báo cho bên mua cung cấp hồ sơ để làm thủ tục xin cấp chủ quyền căn hộ.

Theo hợp đồng mua bán, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho bà Túy, thế nhưng, cả chục năm trôi qua, dự án Cao ốc xanh mới chỉ xong được Block C, còn 2 block A và B vẫn án binh bất động, khiến nhiều khách hàng khốn đốn.

“Kể từ khi thanh toán đủ 95% giá trị căn hộ cho CIC8 đến nay là đã 8 năm, nhưng CIC8 vẫn chưa hoàn thiện xong công trình và bàn giao căn hộ cho tôi đúng thoả thuận trong hợp đồng”, bà Túy nói và thông tin thêm, ngoại trừ Block C đã hoàn thành bàn giao cho người mua vào ở, còn lại 2 block A và B cạnh đó, đặc biệt là Block B vẫn giữ nguyên hiện trạng xây dựng dở dang, hầu như không có thay đổi gì kể từ khi CIC8 ký hợp đồng mua bán.

Thực tế, trên địa bàn TP.HCM, câu chuyện tương tự tại dự án chung cư Cao ốc Xanh không phải là hiếm. Bên cạnh những ưu điểm khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, vẫn còn đầy rẫy rủi ro đối với người mua, khi không ít dự án “đắp chiếu”, chủ đầu tư huy động vốn rồi không triển khai, tranh chấp kiện tụng ròng rã trong vô vọng.

Chung cư Đại Thành hơn 10 năm qua vẫn chưa xây dựng xong khiến hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh nguy hiểm. Ảnh: Trọng Tín

Tại dự án chung cư cao cấp PetroVietnam Landmark (phường An Phú, quận 2, TP.HCM) do Công ty cổ phần Bất động sản xây lắp dầu khí – PVC Land (thuộc Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC) làm chủ đầu tư cũng bị “đắp chiếu” nhiều năm trời, khiến cho hàng trăm khách hàng như ngồi trên đống lửa.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án được khởi công xây dựng năm 2009 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2011. Đến nay, thời hạn giao nhà đã quá hơn 8 năm, nhưng tiến độ dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô. Các phương án hoàn thiện dự án bị đình đốn. Khách hàng đã có nhiều buổi họp, thậm chí, căng thẳng hơn là tổ chức căng băng rôn nhằm gây “áp lực”, nhưng đều trong vô vọng.

Đáng lưu ý, mới đây PVC có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn việc thoái vốn của Tổng công ty tại PVC Land.

Tại dự án PetroVietnam Landmark, đến nay khối chung cư đã chậm bàn giao nhà gần 5 năm, đến thời điểm hiện tại ước tính PVC Land còn phải chi 224,25 tỷ đồng để hoàn thành dự án. Tuy nhiên, hiện PVC Land không thể cân đối được dòng tiền để hoàn thiện khối chung cư và thực hiện nghĩa vụ theo đúng cam kết với khách hàng.

Một dự án khác cũng rơi vào trường hợp tương tự là dự án Khu căn hộ cao cấp thuộc Phân khu 11B1, đường Nguyễn Hữu Thọ (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM), do Công ty TNHH Dịch vụ – Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Đông Mê Kông làm chủ đầu tư.

Theo phản ánh của khách hàng, dự án được mở bán từ cuối năm 2016 và thời gian chủ đầu tư dự kiến bàn giao nhà là quý I/2019. Tuy nhiên, thực tế dự án thi công rất ì ạch, và từ cuối tháng 5/2019 đến nay, dự án không còn dấu hiệu thi công. Các khách hàng mua dự án đã liên tục gây sức ép đến chủ đầu tư, nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa.

Nghiêm trọng hơn là tại dự án Chung cư Đại Thành (phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP.HCM), hàng trăm cư dân tại đây luôn phải sống trong nỗi phấp phỏng vì hơn 10 năm xây dựng, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ sản xuất Đại Thành vẫn không thể hoàn thiện được dự án. Bức xúc và bí bách trước nỗi lo mất nhà, hơn một nửa trong tổng số 442 khách hàng mua nhà tại dự án đã dọn vào ở, mặc cho nguy hiểm luôn rình rập xung quanh.

Chị Trần Ngọc Thanh Thảo, một cư dân của chung cư cho biết, những năm qua gia đình chị phải điêu đứng, khổ sở vì không được giao nhà.

“Tiền mua căn hộ là gia tài vợ chồng tôi tích góp rất nhiều năm và vay mượn thêm. Giờ hàng tháng vừa trả tiền thuê trọ, vừa trả tiền lãi vay. Chúng tôi cần có một ngôi nhà để ở”, chị Thảo nghẹn ngào nói.

Cư dân này còn cho biết thêm, những lần khách hàng làm dữ thì chủ đầu tư than khó khăn, cần thêm 99 tỷ đồng nữa để hoàn thiện công trình và giao nhà. Theo quy định, khách hàng chỉ đóng khoảng 70% giá trị căn hộ đến khi bàn giao nhà, nhưng chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư, các khách hàng vẫn đồng ý đóng hơn 90% giá trị căn hộ. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, dự án vẫn không thi công được bao nhiêu, hàng trăm khách hàng khốn đốn, tiền mất, nhà vẫn chưa được hoàn thiện.

Trong khoảng thời gian ròng rã đòi nhà ấy đã có không biết bao nhiêu cuộc tiếp xúc giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Song, mỗi lần họp là mỗi lần chủ đầu tư tiếp tục đưa ra lời hứa.

Cẩn trọng khi mua “nhà trên giấy”

Luật sư Võ Thiện Hiển, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hiện nay việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai luôn sôi động vì đây không chỉ đây là kênh sở hữu nhà, tài sản của người dân có nhu cầu, mà còn là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư khi mua đi bán lại hoặc cho thuê. Tuy nhiên, nhiều người mua nhà do không nắm được các quy định pháp luật đã bị thiệt hại, thua lỗ khi gặp phải chủ đầu tư không thực hiện đúng theo hợp đồng mua nhà đã ký kết.

Theo luật sư Hiển, để diễn ra tình trạng này là lỗi theo quy trình, từ chủ đầu tư tới cơ quan chức năng.

“Những lý do thường được đưa ra là thị trường khó khăn, chính sách tín dụng thắt chặt, đầu tư dàn trải, mất khả năng tài chính… Toàn những lý do ‘của chủ đầu tư’. Tuy nhiên, khách hàng lại không có cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình khi tiến độ dự án chậm bàn giao hoặc dự án không thể bàn giao”, luật sư Hiển nói.

Để tránh rủi ro trong việc mua nhà ở hình thành trong tương lai, theo luật sư Hiển, người dân phải tìm hiểu thật kỹ trước khi xuống tiền đặt mua, tự bảo vệ mình trước khi chờ cơ quan công quyền phân xử. Cần kiểm tra kỹ hồ sơ dự án của chủ đầu tư có đáp ứng đủ theo quy định pháp luật không.

Cụ thể, giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng; giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

“Một số chủ đầu tư thường tăng thêm diện tích sàn, tăng số lượng căn hộ để bán được nhiều. Khi làm như vậy thì sai thiết kế, dẫn tới hệ quả là nếu dự án không được điều chỉnh hồ sơ thiết kế cơ sở thì không nghiệm thu được, không đủ điều kiện cấp sổ hồng cho các căn hộ. Từ đó, dẫn đến tình trạng khá phổ biến hiện nay là chủ đầu tư sai nhưng người mua phải gánh chịu”, luật sư Hiển cảnh báo.

Theo Trọng Tín/ Báo Đầu tư Bất động sản

Nguồn: //bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/nam-het-tet-den-va-nhung-du-an-tet-cong-go-moi-giao-nha-228946.html

 

Bài cùng chuyên mục