Từ vụ 110 biệt thự xây “lụi”: “Một nửa” còn chờ đợi, còn lửng lơ
Ý chí “thật thà”, quyết tâm “thực chất” là chưa đủ. Nó cần một hệ thống tổ chức chính quyền vận hành, kiểm soát “thanh khiết”, một nền pháp quyền tiến bộ, văn minh, một bộ máy nhân lực - cán bộ công chính.
110 căn biệt thự xây dựng trái phép ở quận 7, 13.000 căn hộ xây dựng không phép ở quận 2, nạn xây nhà lụi, bán nhà ma hoành hành huyện Bình Chánh, hô biến nhà riêng lẻ thành chung cư ở quận Thủ Đức…
Trước ma trận ấy, tôi tự hỏi, ở đâu tai mắt nhân dân – thông qua tổ chức tập hợp “sức mạnh đại đoàn kết”, tức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại địa bàn cơ sở hay lực lượng đại diện nhân dân này đã hoàn toàn “ngoài vùng phủ sóng”, nơi tiếng nói giám sát “ngân lên bỗng tắt nửa chừng”? Ngân lên trong sự cả nể, chiếu lệ, hình thức để rồi những sai trái, lộng hành cứ nhiễu nhương, lũng đoạn.
Hỏi cũng chỉ là để tự trả lời, rồi sực nhớ, vào những ngày tháng 12 năm ngoái, cùng lúc hai quan bà Phan Thị Mỹ Thanh ở Đồng Nai và Hồ Thị Lệ Hà ở Quảng Trị, sau khi nhận kỷ luật cảnh cáo, cách tất cả chức vụ trong Đảng đã được bố trí về giữ chức ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thậm chí bà Hà còn được bầu giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Bà Hà bị kỷ luật vẫn được thăng chức to hay cái ghế mặt trận là giải pháp cho quan chức quá vãng thời hậu kỷ luật?
Tôi xin được gửi những câu hỏi – thực trạng trên đến Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2019-2024, kỳ đại hội mang sứ mệnh chuyển động mạnh mẽ “sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động”; là “bộ công cụ” giám sát, phản biện khoa học, độc lập để ít nhất, xác lập một cơ chế pháp lý giám sát chính quyền, từ đó, sức mạnh tập hợp của tổ chức tập hợp sức mạnh (nhân dân) mới phát huy chức năng và hiệu quả của chức năng ấy một cách thực chất, đúng nghĩa.
“Thực chất”, đúng như lời Hồ Chủ tịch nói cách nay gần 70 năm tại buổi khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, một trong những tên gọi của tổ chức Mặt trận: “Mặt trận phải tiến dần dần đến thật dân chủ”.
Mà một trong những công việc, theo Người đó là “phải thành thực lắng nghe ý kiến của người ngoài Đảng” (bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác mặt trận – năm 1962).
Đại đoàn kết dân tộc – giá trị cốt lõi của tổ chức Mặt trận, chính là một di sản Hồ Chí Minh, lại được Người xác lập bằng tư tưởng: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Bởi cuối cùng, Người đúc kết: “Tóm lại chính trị là: 1. Đoàn kết; 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ” (năm 1947).
Lòng “thật thà”, sự “thực chất”, tính “thanh khiết” với nhân dân, tự thân chúng đã là sức mạnh tập hợp, là sức hiệu triệu niềm tin mà hơn bao giờ hết, Đảng đang cần gầy dựng, giữ gìn, vun đắp. Đại hội mặt trận là một phép thử trước thềm đại hội đảng, do đó, tổ chức Mặt trận chính là một bộ lọc “thanh khiết” để Đảng đo đếm được sức mạnh tập hợp nhân dân.
Ý chí “thật thà”, quyết tâm “thực chất” là chưa đủ. Nó cần một hệ thống tổ chức chính quyền vận hành, kiểm soát “thanh khiết”, một nền pháp quyền tiến bộ, văn minh, một bộ máy nhân lực – cán bộ công chính. Vì thế, bế mạc một kỳ đại hội thành công, rời khỏi không khí hội trường thắng lợi, đó mới chỉ là một nửa. Nửa còn lại, là lời cam kết chuyển đổi, cải cách có đi vào thực tế, có phục vụ con người hay không, dường như vẫn còn “lửng lơ” đâu đó…
Theo Ái Mỹ/ PhuNuOnline