Lá đơn của Novaland và sự an toàn của thị trường
Giống như vụ Cocobay, đơn cầu cứu khẩn cấp của Novaland đang gây xôn xao dư luận gây lo ngại không ít cho an nguy của thị trường bất động sản. Một khi thị trường này bất an thì dòng tiền các ngân hàng đổ vào đây cũng ảnh hưởng ít nhiều.
Trong đơn kêu cứu, Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn không ngần ngại “vạch áo cho người xem lưng” khi cho rằng nếu Novaland mất thanh khoản thì 50.000 tỷ vay của tập đoàn này sẽ thành nợ xấu.
Con số khổng lồ ấy có đủ để Novaland “mặc cả” với những nhà làm chính sách lẫn chủ nợ của mình? Nhưng nhìn vào cơ cấu nợ của Novaland thì có vẻ như vị Chủ tịch hơi thổi phồng.
Tính tới cuối năm 2019, tổng dư nợ vay của Novaland và các công ty con là gần 34.600 tỷ đồng, gồm 7.600 tỷ ngắn hạn và 27.000 tỷ dài hạn. Cơ cấu nguồn vốn là vay ngân hàng, vay trái phiếu và vay từ bên thứ ba đối với dư nợ ngắn hạn là 20,7%:25,5%:48,9%; với dư nợ dài hạn là 48%:40,8%:12,2%.
Đó là con số chính thức do họ công bố, còn nữa hay vay mượn dưới danh nghĩa gì thì có lẽ chỉ có ông Nhơn là người nắm rõ nhất!
So với hàng loạt đại gia khác thì Novaland là doanh nghiệp niêm yết có cơ cấu nguồn vốn lành mạnh và khá đa dạng. Đến cuối năm 2019, tập đoàn này có khoảng 25 chủ nợ.
Hơn nửa dư nợ được nắm giữ bởi các ngân hàng nước ngoài, mà đứng đầu, cũng là chủ nợ lớn nhất là Credit Suisse với 9.000 tỷ, theo sau là Bank of New York Mellon 5.550 tỷ, GPI3 Co Ltd 1.400 tỷ… Những chủ nợ này phần nào cho thấy tình hình tài chính của Novaland ra sao thì mấy ông lớn trên mới dám bung tiền.
Ở trong nước, Novaland có quan hệ tín dụng với hàng chục ngân hàng lớn nhỏ, trong đó VPBank cho vay nhiều nhất với dư nợ 3.800 tỷ, nhóm MBBank và MBS 2.700 tỷ, Sacombank 1.650 tỷ, Vietinbank 1.350 tỷ; đáng chú ý, một số ngân hàng quy mô vừa, thậm chí còn tồn tại nhiều vấn đề vẫn dành một tỷ lệ khá lớn trong cơ cấu tài sản để cho Novaland vay là TPBank (1.700 tỷ) hay PVCombank (1.800 tỷ). Với con số và tên tuổi chủ nợ trên, việc ông Nhơn cho rằng nếu Novaland bất ổn thì số nợ cũng bất an hoàn toàn có căn cứ.
Làm ăn phải nợ là điều tất nhiên và hầu như chẳng tập đoàn nào tránh khỏi. Điều quan trọng là họ được cho vay ra sao và trả nợ thế nào. Đã từng có cảnh báo và bài học xấu về việc các ngân hàng tập trung quá nhiều vốn cho một vài doanh nghiệp. Dù lớn, dù mạnh hay tài sản thế chấp lớn đến đâu thì cũng chẳng ai nói trước được điều gì mà Novaland là một ví dụ.
Hy vọng việc cầu cứu để xin làm bằng được dự án Water Bay (Quận 2, TP HCM) mà họ đã đổ vào đấy 6000 tỷ đồng là lý do duy nhất chứ không còn điều gì chưa hé mở. Nếu không những ai liên quan đến Novaland cũng nên tính toán và lo lắng dần. Một khi Novaland tiếp tục không có dự án mới, dự án cũ vẫn bị dừng lại và dòng tiền không chảy mạnh như trước thì cái gì xảy ra ai cũng đã đoán được từ bây giờ.
Ngân hàng cho doanh nghiệp nào vay đều có tài sản đảm bảo cùng những căn cứ của mình và sự cân nhắc cần có. Doanh nghiệp làm ăn cũng luôn cho rằng vay đồng nào phải đẻ thêm đồng đó. Nhưng tình hình thị trường và diễn biến của những thứ tác động mạnh vào “sức khỏe” của họ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như tính toán.
Giờ đây, chỉ còn trông chờ và hy vọng các bên sẽ có những giải pháp cân nhắc thiệt hơn, hài hòa để đảm bảo cho tất cả đều an toàn, tránh những bất an không nên có để chờ đợi những gì thuận lợi hơn sẽ đến.
Theo Cuộc sống an toàn
Nguồn: https://cuocsongantoan.vn/la-don-cua-novaland-va-su-an-toan-cua-thi-truong-34956.html