Đường sắt Việt Nam sẽ dừng chạy tàu vì cơ chế?
Do Tổng công ty đường sắt Việt Nam (TCTĐSVN) trực thuộc Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (UBQLVNN) đại diện chủ sở hữu vốn nên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không thể giao vốn, đặt hàng doanh nghiệp này thực hiện các hoạt động duy tu, bảo dưỡng như trước. Sự ách tắc này nếu còn sẽ khiến các đội tàu ở Việt Nam có nguy cơ ngừng hoạt động.
Chín tập đoàn, 21 TCT nhà nước đã chuyển từ các bộ, ngành về UBQLVNN thực hiện quyền đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước từ cách đây gần 2 năm theo quyết định của Thủ tướng. Các bộ chủ quản trước đây chỉ thực hiện quyền quản lý các hoạt động chuyên ngành.
Trước cuộc chuyển giao này, các chuyên gia kinh tế, quản trị doanh nghiệp đã có rất nhiều ý kiến xung quanh việc : cơ quan chủ quản mới thành lập, với quy mô và trình độ quản trị liệu có thể quản lý được 5 triệu tỉ đồng tiền vốn Nhà nước để tại các doanh nghiệp. Mà các doanh nghiệp này đều là các doanh nghiệp “đầu tàu” ở các lĩnh vực quan trọng, có quy mô lớn, chuyên thực hiện các dự án phức tạp.
Đúng như dự đoán, cuối năm 2019, UBQLVNN đã phải đề xuất phương án giao các dự án lớn của nhiều doanh nghiệp như Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC), Tập đoàn điện lực (EVN) về cơ chế cũ: giao lại cho các bộ chủ quản trước đây là Bộ GTVT và Bộ Công Thương chịu trách nhiệm phê duyệt vì các quy định pháp luật hiện hành.
Các luật hiện có về đầu tư và Luật về quản lý, sử dụng vốn đầu tư nhà nước vào doanh nghiệp đều không có mô hình UBQLVNN. Nếu phê duyệt chủ trương đầu tư, tùy theo quy mô dự án sẽ do Quốc hội, Chính phủ hoặc UBND các tỉnh chịu trách nhiệm. Việc phê duyệt dự án do chính Hội đồng thành viên các doanh nghiệp quyết định.
Sự rắc rối của mô hình UBQLVNN làm chậm hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở đó.
Hôm 17/2, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT và UBQLVNN đánh giá toàn diện đề xuất điều chuyển TCT đường sắt Việt Nam từ ủy ban về lại Bộ GTVT. Đề xuất này xuất pháp từ ý kiến đề xuất của các chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội- văn bản của Văn phòng Chính phủ hôm 17/2 cho biết.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và ủy ban đánh giá ưu nhược điểm của phương án điều chuyển và báo cáo Thủ tướng sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.
Với yêu cầu khá gấp của Thủ tướng (yêu cầu báo cáo vào đầu tháng 3) cho thấy, sự chuyển đổi cơ quan quản lý (nếu có) là việc khá cấp bách.
Nguyên nhân nào dẫn đến đề xuất chuyển đổi ngược lại quyết định cách đây chưa đầy 2 năm là tách bạch quyền đại diện vốn chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước?
Theo tìm hiểu của TBKTSG, TCTĐSVN là một trong 5 doanh nghiệp lớn thuộc bộ nhưng có nhiều nét đặc thù khi vừa tiến hành các hoạt động kinh doanh vận tải hàng khách, hàng hóa bằng đường sắt, vừa hoạt động như một doanh nghiệp công ích được giao quản lý, khai thác sử dụng vốn, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt cả nước và bảo trì hệ thống này hàng năm.
Trước đây, dưới thời Bộ GTVT quản lý, tổng công ty vẫn được Nhà nước giao dự toán hàng năm (cỡ 2.800-3.000 tỉ đồng/năm) để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng đường sắt. Doanh nghiệp này lại đặt hàng 20 công ty con là các công ty cổ phần thực hiện nhiệm vụ này (cho đến hết năm 2019, theo Nghị quyết của Quốc hội).
Tuy nhiên, đầu năm 2020, Bộ GTVT không thể giao dự toán cho TCT được nữa vì vướng điều 49 của Luật Ngân sách nhà nước (Bộ chỉ giao dự toán và đặt hàng các doanh nghiệp thuộc bộ). Trong khi TCTĐSVN không phải là doanh nghiệp thuộc bộ nữa. Như vậy, dự toán chừng 2.800 tỉ đồng để duy tu hạ tầng đường sắt bị “treo” lại.
Theo Lan Nhi/ TBKTSG Online
Link bài gốc: https://www.thesaigontimes.vn/300293/duong-sat-viet-nam-se-dung-chay-tau-vi-co-che.html