EVFTA và IPA: Cơ hội lớn cho kinh tế Việt Nam
Chiều nay, 30/6, tại Hà Nội, hai hiệp định quan trọng là Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức được ký kết
Trưa cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Osaka (Nhật Bản), lên đường về nước dự lễ ký kết 2 Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA).
Dự Lễ ký kết, cùng với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo các bộ, ban ngành thì còn có sự tham dự của bà Cecilia Malmstrom – Cao uỷ thương mại của Liên minh châu Âu.
Hiệp định EVFTA được EU nhận định là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.
Cũng theo đánh giá, 2 Hiệp định này được coi là toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đây là sự kiện rất quan trọng và rất có ý nghĩa, không chỉ đáp ứng lợi ích của hai bên mà còn tạo những cơ hội lớn, tạo ra thời cơ cho phát triển, tạo ra những động lực mới nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường hội nhập quốc tế.
Hiệp định được ký kết chắc chắn sẽ tạo cho nền kinh tế Việt Nam không gian về mặt thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn – thị trường EU.
Như vậy, sau Singapore, thì đây là thỏa thuận thứ 2 mà EU tiếp tục thực hiện ký kết với một quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam và nó cũng cho thấy bước tiến mới cho việc gắn kết của châu Âu với khu vực trong đó có Việt Nam.
Sau phần chiếu phim tài liệu giới thiệu về Hiệp định EVFTA và IPA, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những bài phát biểu khẳng định tầm quan trọng của hai hiệp định này đối với cả hai nền kinh tế.
Theo đó, những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài các mặt hàng truyền thống thì theo đánh giá những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ, v.v. sẽ tăng đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm tối đa.
Việc ký kết thành công 2 hiệp định trên đã thể hiện trình độ của Việt Nam trong tổ chức đàm phán về các vấn đề kỹ thuật với những nội dung cao, đa dạng và rất sâu; không phải 1 mà là 28 quốc gia thành viên của EU.
Hai Hiệp định sẽ được ký kết thành công nhưng phải chờ thời gian để thực hiện phê chuẩn. Với EVFTA cuối năm nay hoặc nửa đầu sang năm có thể hoàn tất được phê chuẩn khi Nghị viện Châu Âu thông qua. Nhưng với IPA sẽ vừa phải thông qua Nghị viện khu vực lẫn Nghị viện các nước thành viên và đòi hỏi một quá trình. Do đó, các hiệp định trên cần phải được tiếp tục trao đổi, thúc đẩy để có kết quả phê chuẩn cuối cùng theo quy định.
Theo Song Nguyên/Công Luận