Vì sao môi giới bất động sản bị gọi là cò nhà đất?

Yếu chuyên môn, xem nhẹ đạo đức và coi thường các quy định quản lý khiến nghề môi giới bất động sản mang tiếng xấu.

Ông Trần Minh Hoàng, Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nêu ra hàng loạt bất cập trong nghề như hoạt động chuyên nghiệp và tự phát đan xen, hành nghề chui và vi phạm pháp luật, thị trường môi giới phức tạp và chưa được quản lý.

Cụ thể hơn, ông Hoàng khẳng định hoạt động môi giới bất động sản chưa có sự phân biệt giữa người hành nghề chân chính, chú trọng phát triển nghề nghiệp, tuân thủ pháp luật và những người hoạt động môi giới chui, chú trọng kiếm tiền nhanh, thiếu chuyên môn, trục lợi, cạnh tranh không lành mạnh.

“Thực trạng thị trường cho thấy người hành nghề môi giới chân chính chưa được bảo vệ, trong khi kinh doanh chụp giật, vi phạm luật pháp diễn ra khá phổ biến”, ông Hoàng nhận xét.

“Hiện người môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, xem nhẹ trách nhiệm đạo đức, coi thường các quy định quản lý. Một số lượng lớn các sản phẩm được đưa thông tin ảo, thổi phồng giá, chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh”, ông Hoàng thừa nhận.

Có thâm niên môi giới bất động sản, ông Hoàng ước tính trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý, quy hoạch. “Nhiều người dân gặp rủi ro khi giao dịch bất động sản thông qua môi giới không chuyên nghiệp, đẫn đến thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo”, ông Hoàng nói.

Tình trạng vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản, vi phạm pháp luật về thuế diễn ra phổ biến gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng, thiệt hại quyền lợi nhà nước, quyền lợi của chính những người hành nghề môi giới bất động sản chân chính. Hình ảnh nghề môi giới bất động sản vì thế không tạo được sự thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội.

Rất nhiều vấn đề bất cập của nghề môi giới đã được đề cập trong hội thảo về môi giới bất động sản được tổ chức tại TP. HCM cuối tuần qua.

Chia sẻ thêm, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vai trò của nghề môi giới rất rõ nhưng do chưa có luật môi giới bất động sản nên những người làm nghề này vẫn bị gọi là cò nhà đất.

Theo ông Võ, mặc dù nghề môi giới được đề cập trong Luật Kinh doanh bất động sản nhưng chưa đủ mạnh để kiểm soát thị trường, dẫn đến tình trạng những dự án ma gây nhiễu loạn thông tin, khiến người có nhu cầu không phân biệt được đâu là thông tin thật và thông tin giả.

“Chẳng hạn như những dự án của công ty Alibaba, chúng ta đều biết đơn vị này vi phạm pháp luật nhưng khó xử lý vì những lỗ hổng của luật pháp”, ông Võ thừa nhận.

“Chính quyền một số địa phương khuyến cáo người có nhu cầu mua nhà nên cẩn thận với những thông tin của Alibaba. Tại sao lại khuyến cáo? Chính quyền có đầy đủ công cụ pháp luật trong tay, phải xử lý tình trạng này để bảo vệ những đơn vị làm ăn chân chính chứ?”, ông Võ nói.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn ước tình Việt Nam có khoảng 300.000 người hoạt động môi giới bất động sản nhưng những người có chứng chỉ hành nghề chỉ khoảng 20%, nên nhu cầu được đào tạo lớn.

Ông Quốc Anh đánh giá quy mô thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 21 tỷ USD vào năm 2012 nhưng hiện nay ở Singapore là hơn 200 tỷ USD. Hơn nữa Việt Nam có 97 triệu người nhưng lại có 143 triệu thuê bao di động, 64 triệu người dùng internet nên rất thuận lợi với việc áp dụng công nghệ cao vào nghề môi giới bất động sản.

Đồng quan điểm, bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội bất động sản Hoa Kỳ cho biết, ở Việt Nam nghề môi giới bất động sản chủ yếu là bán nhà mới, còn ở Hoa Kỳ môi giới bất động sản bán nhà cũ khoảng 3,5 triệu căn/năm, còn nhà mới chỉ khoảng 1,5 triệu căn.

Từ những con số đó, theo bà Liễu, tiềm năng nghề môi giới ở Việt Nam rất lớn vì đây là thị trường mới phát triển, trong khi nghề này ở Hoa Kỳ đã có lịch sử hơn 100 năm.

Theo TheLEADER

Bài cùng chuyên mục