Mở các cửa khẩu phụ, ‘giải cứu’ nông sản xuất khẩu
Trong thời gian tới, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Hơn nữa, theo dự báo thời gian tới, phía bạn sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid -19 đối với phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, do dịch bệnh tại các tỉnh thành của nước ta đang có chiều hướng gia tăng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại khu vực biên giới.
Do đó, Bộ Công thương vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ.
Vẫn còn tồn gần 1.260 xe ở biên giới
Thống kê mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, từ ngày 5/2 – 22/3, Việt Nam đã xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền sang Trung Quốc 27.738 xe hàng và nhập khẩu 23.979 xe. Riêng trong ngày 22/3 đã có 1.044 xe xuất khẩu và 727 xe nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Tổng số xe tồn xuất khẩu là 1.257 xe, chủ yếu tập trung ở tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh.
Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 997 xe và 16 toa tàu. Trong đó xuất khẩu 522 xe và 15 toa; nhập khẩu 475 xe và 1 toa hàng; tồn 1174 xe hàng, 15 toa hàng chờ xuất.
Tại Lào Cai, cửa khẩu quốc tế đường bộ xuất khẩu 281 xe (gồm thanh long, dưa hấu, xoài, các mặt hàng khác) với tổng khối lượng 2.491 tấn, trị giá 1.165 nghìn USD và nhập khẩu 196 xe (gồm rau củ quả các loại, phân bón, các mặt hàng khác) với tổng khối lượng 2.429 tấn, trị giá 713 nghìn USD. Hiện không có xe tồn.
Còn cửa khẩu quốc tế đường sắt xuất khẩu 740 tấn (lưu huỳnh quá cảnh) trị giá 44 nghìn USD; nhập khẩu 649 tấn (phân bón DAP, phân bón SA, thuốc lá điếu) trị giá 402 nghìn USD.
Tại Quảng Ninh, tổng số xe xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh là 142 xe, trong đó 111 xe xuất, 31 xe nhập và 68 xe tồn (không tính hàng đông lạnh). Tại Hà Giang đã xuất khẩu 61 xe (gồm thanh long, ván, chuối, dưa hấu) có tổng khối lượng 1.439 tấn và tổng trị giá 334 nghìn USD, không có xe nhập khẩu và xe tồn.
Tại Cao Bằng: Cửa khẩu Tà Lùng xuất khẩu 19 xe với tổng khối lượng 480 tấn, trị giá 224 nghìn USD. Tại Lai Châu, cửa khẩu Ma Lù Thàng xuất khẩu 27 xe (gồm 20 xe chuối quả với số lượng 200 tấn và 7 xe nông sản của các tỉnh, thành khác với số lượng 140 tấn)…
Mở các cửa khẩu phụ để giải cứu hàng nông sản
Theo đánh giá của bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), cho đến thời điểm hiện tại năng lực thông quan vẫn còn hạn chế. Dự báo, thời gian tới, lực lượng chức năng của phía Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với phương tiện chở hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang, do dịch Covid -19 tại các tỉnh thành của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng.
Bên cạnh đó, thời gian tới, một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, trong khi năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới đã được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Lượng hàng hóa được thông quan xuất nhập khẩu mới chỉ đạt khoảng 50 – 60 % so với trước dịch. Điều này có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ hàng hóa tại khu vực biên giới.
Mặt khác, Bộ Công thương cho biết, hiện tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn – địa phương có lượng hàng xuất nhập khẩu qua biên giới đất liền sang Trung Quốc lớn nhất, báo cáo Sở Công thương Lạng Sơn cho thấy có 5 cửa khẩu được phép thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trở lại, trung bình mỗi ngày cũng chỉ xuất khẩu được từ 130 đến 150 xe hàng.
Còn các cặp cửa khẩu phụ từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay đã tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tình hình đó, để đảm bảo mục tiêu kép vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, nhưng không làm gián đoạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Công thương vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, trên cơ sở đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch bệnh Covid -19.
Lý giải cho động thái này, Bộ Công thương cho hay, đến nay tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đã hạ cấp độ ứng phó với tình trạng khẩn cấp từ cấp 1 xuống cấp 3.
Hai tỉnh này đã và đang khôi phục từng phần hình thức mua bán, trao đổi cư dân biên giới để đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Đây là yếu tố thuận lợi để tiếp tục khôi phục, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc trong thời gian tới.
Được biết, hiện tại, tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) đang thống nhất cùng chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khôi phục hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cặp cửa khẩu phụ này, trên cơ sở đảm bảo thực hiện chặt chẽ quy trình phòng chống dịch bệnh như các cửa khẩu phụ khác như Tân Thanh, Cốc Nam…
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đề nghị, UBND các tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn ưu tiên bố trí nguồn lực phù hợp để đảm bảo phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định; đồng thời sớm trao đổi, thông nhất với các địa phương biên giới phía Trung Quốc để tổ chức triển khai thực hiện.
Theo khảo sát của Cục Xuất nhập khẩu đối với các tỉnh biên giới giáp Lào: Tại Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình) đã xuất khẩu 111 xe (nông sản, hàng tiêu dùng); nhập khẩu 94 xe và 1 tàu và tồn nhập cảnh 32 xe.