Máy bay ế khách đổ kín sân, cắt giảm thuế phí ‘giải cứu’ hàng không
Giống các hãng bay toàn cầu, tình trạng bi đát bao trùm các hãng hàng không Việt. Chính phủ các nước đã ra tay giải cứu hàng không, còn nước ta, một số giải pháp đã được đề xuất, kiến nghị nhưng cần mạnh mẽ hơn.
Một trong những ngành ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất do dịch Covid-19 là hàng không. Trên thế giới, Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA) dự báo thiệt hại của ngành này lên tới 113 tỷ USD.
Tại Việt Nam, một báo cáo hồi giữa tháng 2/2020 của Bộ Giao thông Vận tải dự tính, dịch Covid-19 khiến các hãng hàng không trong nước thiệt hại sơ bộ khoảng 25.000 tỷ đồng. Tới đầu tháng 3, con số này được nâng lên 30.000 tỷ đồng.
Hàng không Việt cắt giảm rồi dừng hẳn bay quốc tế từ 25/3. Tại các sân bay lớn, tàu bay đỗ chật kín. Do đó, lượng hành khách quốc tế giảm tới 67% trong tháng 3. Khách nội địa cũng giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) lo ngại: “Đến cuối tháng 5/2020, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn lực hỗ trợ từ các quốc gia”. Mà, để giải cứu ngành này, theo IATA, cần ít nhất 200 tỷ USD từ Chính phủ các nước.
Để cứu trợ ngành hàng không trong nước, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã đề xuất một số giải pháp, như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay, đến đối với các chuyến bay nội địa; giảm giá 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá. Thời gian áp dụng từ 1/3 đến hết 31/5, tức trong vòng 3 tháng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các hãng hàng không, mức giảm trên là không đáng kể và “nhỏ giọt”, thời gian lại quá ngắn, nên chưa hỗ trợ thực chất cho các hãng hàng không.
Thực tế, theo quy định tại Thông tư 53 ngày 31/12/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang phải gánh 16 loại chi phí dịch vụ tại cảng. Ước tính sơ bộ, mỗi năm, tổng 16 loại phí và một số khoản phí dịch vụ của Tổng công ty Cảng Việt Nam (ACV) mà các hãng phải nộp lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.
Tính sơ bộ, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và VASCO), các hãng Vietjet Air, Bamboo Airways năm 2019 đã nộp các loại phí (trực tiếp và gián tiếp) lên tới 12,7 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, tuy số lượng khách vận chuyển thấp hơn Vietjet nhưng Vietnam Airlines nộp trung bình 16,4 tỷ đồng/ngày, nhỉnh hơn Vietjet với 15,6 tỷ đồngngày do hãng này có nhiều tàu bay thân rộng trọng tải lớn và bay nhiều chuyến quốc tế hơn.
Như vậy, nếu giảm còn 0 đồng trong 3 tháng đối với 11/16 loại phí do nhà nước quy định khung giá như đề nghị của Bộ GTVT thì ước tính, các hãng hàng không chỉ giảm được tổng cộng chưa đến 100 tỷ đồng, có nghĩa là mỗi hãng chỉ giảm vài chục tỷ đồng trong năm nay. Nếu so với con số thiệt hại dự kiến lên tới 30.000 tỷ đồng, thì rất bé nhỏ.
Đáng lưu ý, trong số 5 loại dịch vụ hàng không do Nhà nước quy định mức giá gồm dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ điều hành bay; dịch vụ cất cánh, hạ cánh; dịch vụ an ninh hàng không; dịch vụ phục vụ hành khách thì hai loại phí cất/hạ cánh và điều hành bay là lớn nhất, chiếm từ 10-20% tổng chi phí một chuyến bay. Các hãng bay trong nước đang phải nộp trên 3.000 tỷ đồng/năm.
Nếu giảm 50% mức phí trong 3 tháng đối với các tuyến bay nội địa theo phương án đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng 200 tỷ đồng. Chia bình quân, mỗi hãng chỉ giảm được vài chục tỷ đồng, thực sự vẫn là gánh nặng với các hãng bay.
Các hãng hàng không mong muốn được giảm 50% đối với hai loại phí trên trong cả năm 2020, tương đương giảm được 1.500 tỷ đồng.
Đồng thời, để kích cầu nội địa khi hết dịch, các hãng hàng không trong nước cũng kiến nghị miễn phí phục vụ hành khách đối với các chuyến bay nội địa (từ 70.000-110.000 đồng/người) và giảm 50% đối với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng.
Hiện loại phí này là trên 10.000 tỷ đồng/năm, các hãng hàng không thu hộ qua vé cho ACV. Nếu miễn giảm, khách bay trực tiếp được hưởng lợi.
Tương tự, doanh nghiệp hàng không và giới chuyên gia cũng mong muốn Chính phủ mở rộng lĩnh vực được gia hạn nộp thuế như bổ sung thuế bảo vệ môi trường, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu và tăng thời gian gia hạn so với dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất do Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ.
Chẳng hạn, riêng thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, tỷ trọng sắc thuế gián thu này lên đến 70% giá trị nhập khẩu của nhiên liệu, chiếm tỷ trọng lớn trên chi phí hoạt động của các hãng.
Do vậy, các hãng hàng không kiến nghị miễn giảm thuế nhập khẩu và bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay trong 12 tháng, từ 23/1/đến 31/12/2020. Việc này là vô cùng cấp thiết, giúp các hãng giảm chi phí hoạt động trong bối cảnh doanh thu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, thay vì chỉ giảm trong 3 tháng như đề xuất của Bộ GTVT.
Hiện một số nước như Thái Lan đã cắt giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng từ (6/2-30/9) cho các đường bay nội địa.
Đồng tình với kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, PGS. TS Ngô Trí Long nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá, cho rằng “các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay vừa chưa mang tính cấp bách vừa thiếu thực chất và liều thuốc này rất không đủ liều để giải cứu doanh nghiệp”.
Theo Ngọc Hà/ VietNamNet
Link bài gốc: https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/giam-thue-phi-giai-cuu-hang-khong-viet-thuoc-chua-du-lieu-628564.html