“Ẩn tình” vụ dừng xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương đã tham mưu gì?
Vụ việc Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng hoãn quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo dù trước đó, chính bộ này là cơ quan tham mưu, đã khiến công luận không khỏi “sốc”.
“Tiền hậu bất nhất” trong vụ dừng xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương lên tiếng
Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo, ngay sau đó Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng cho hoãn quyết định. Trong khi đó, chính Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ.
Về vấn đề nói trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo.
Đứng trước tình hình đó, Bộ Công Thương đánh giá nếu như việc xuất khẩu gạo cứ diễn tiến với tốc độ này Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.
Vì vậy, Bộ Công Thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất, cân nhắc một số phương án, trong đó có đưa ra hai phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án hai xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.
Tuy nhiên, ngay sau đó Bộ nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu thực tế họ có.
“Việc Bộ đưa ra các phương án là dựa trên số liệu Bộ nắm được. Nhưng thực tế chúng tôi không có công cụ mà điều hành dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội…”, ông Khánh cho hay.
Thủ tướng nhắc nhở một số bộ, ngành về việc tham mưu xuất khẩu gạo
Trong văn bản phát đi hỏa tốc ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính và các cơ quan liên quan, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt.
Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và các quy định pháp luật khác có liên quan, trước ngày 28/3.
Trong khi chờ báo cáo đánh giá của Đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Đối với hợp đồng xuất khẩu gạo đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật sẽ được xử lý cụ thể sau khi nghe Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo.
“Bộ Công Thương và các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu vừa qua” – văn bản nêu rõ.
Giá xăng có thể giảm “siêu sốc”
Theo kế hoạch, chiều thứ Hai (ngày 30/3) mới đến kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá xăng dầu sẽ diễn ra sớm hơn kế hoạch một ngày, tức là vào chiều nay (29/3).
Được biết, việc điều chỉnh sớm hơn thông lệ này nhằm thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu nhà điều hành không tác động nhiều đến quỹ bình ổn xăng dầu thì mức giá sẽ thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Mức giảm được dự báo có thể rơi vào 4.000 -5000 đồng/lít đối với giá xăng, giá các loại dầu giảm nhẹ hơn khoảng 1.500-2.000 đồng/lít. Nếu mức giảm rơi vào khoảng dự báo nêu trên, giá xăng E5 RON 92 và xăng RON 95 sẽ về mức 12.000 đồng/lít, mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
DN vận tải nói gì về việc không giảm giá cước, dù giá xăng dầu giảm mạnh?
Trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục lao dốc, giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh giảm mạnh tại kỳ điều chỉnh ngày 15/3.
Tuy nhiên thực tế theo tìm hiểu của PV, giá cước vận tải vẫn sẽ khó giảm theo giá xăng dầu. Các doanh nghiệp đều cho biết họ đang “vùng vẫy” trong khó khăn, trong khi chi phí xăng dầu chỉ chiếm một phần.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, đồng thời là chủ một hãng taxi trên địa bàn Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp vận tải đang vô cùng khổ sở vì đại dịch Covid-19.
“Lượng khách sụt giảm từ 60-70% 2 tháng trở lại đây. Đại dịch khiến nhu cầu người dân, doanh nghiệp hạn chế đi lại đến mức thấp nhất. Bất đắc dĩ lắm mới nên ra đường. Giá xăng dầu có giảm nữa cũng làm gì có ai đi mà chúng tôi giảm được giá cước được”, ông Hùng than vãn.
Theo ông Hùng, hiện tại chỉ có mỗi giá xăng dầu giảm khiến doanh nghiệp “đỡ” một phần, còn lại mọi chi phí khác vẫn phải “è cổ” lo trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu. Có doanh nghiệp 30% số xe dừng hoạt động, xe “đắp chiếu” nằm đó, lái xe nghỉ về quê.
Sẽ giãn hơn 80.200 tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp vì Covid-19
Tờ trình về việc ban hành Nghị định gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất , với 4 loại thuế khác nhau, số tiền giãn, hoãn nộp thuế vào khoảng 80.000 tỷ đồng.
Theo tờ trình dự thảo nói trên, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp với số tiền hơn 61.600 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 11.100 tỷ đồng, thuế của nhóm cá nhân, hộ kinh doanh là hơn 3.000 tỷ đồng, tiền thuế thuê đất hơn 4.500 tỷ đồng.
Tổng số tiền giãn, hoãn nộp thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính hết năm 2020.
Thời gian giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng VAT của kỳ tính thuế tháng 3/2020 chuyển sang tháng 9/2020; thời hạn nộp thuế quý 1 năm 2020 chậm nhất là ngày 30/9/2020; và thời hạn nộp thuế GTGT của kỳ tính thuế quý 2/2020 chậm nhất là ngày 30/12/2020.
Thủ tướng: Toàn quốc dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ đến 15/4
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu:
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ 00 giờ ngày 28/3 đến hết 15/4/2020.
Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữangười với người tại các địa điểm công cộng.
Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.
Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.
Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TPHCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.
Theo Mai Chi (tổng hợp)/ Báo Dân Trí
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/an-tinh-vu-dung-xuat-khau-gao-bo-cong-thuong-da-tham-muu-gi-20200329064934204.htm