Thị trường bất động sản sẽ “bật lên” mạnh mẽ sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát
Thị trường BĐS đang được ví như "chiếc lò xo" bị nén trong thời gian dài vừa qua bởi những khó khăn về pháp lý dự án, nay lại chững lại do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Vì thế, nhiều chuyên gia nhận định, mặc dù đang phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, thị trường sẽ phục hồi nhanh và mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Giai đoạn thử thách của thị trường BĐS
Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến mọi phân khúc bất động sản, nhất là mặt bằng bán lẻ và BĐS nghỉ dưỡng. Thị trường đã chứng kiến một bộ phận không nhỏ các khách thuê mặt bằng kinh doanh tại các tuyến phố trung tâm ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội buộc hủy hợp đồng thuê, sẵn sàng mất chi phí đặt cọc ban đầu. Đáng chú ý, nhóm các khách sạn nhỏ ở trung tâm thành phố (city hotel) cũng đang gồng mình chịu tác động tiêu cực khi người dân ngày một hạn chế việc di chuyển và sử dụng các dịch vụ công cộng.
Với phân khúc nhà ở, hiện vẫn còn khá sớm để đánh giá tổng quan sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam nhận định “khi nhà ở là nhu cầu muôn thuở của người dân, thì dịch Covid-19 là giai đoạn thử thách nhất thời của thị trường.
Khó khăn nếu có sẽ nằm ở động cơ ra quyết định mua nhà với mục đích để ở sẽ chậm lại, hoặc người mua nhà để bán sẽ thoái lui nhằm bảo toàn nguồn vốn. Thị trường đang ghi nhận sự sụt giảm trong số lượng giao dịch và các chủ đầu tư hiện cũng đang cân nhắc liệu có nên mở bán thêm dự án mới trong tình hình hiện nay hay không. Một điều chắc chắn là nhu cầu nhà ở của khách hàng nước ngoài đã sụt giảm trong thời gian vừa rồi. Chúng ta thực sự cần thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh tới thị trường.”
Đối với phân khúc khách sạn, nghỉ dưỡng cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Theo ông Mauro, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương”Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng tương tự do Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang là những thị trường quan trọng nhất đối với ngành du lịch nước ta, chiếm tới 56% lượng khách quốc tế trong năm 2019. Thêm vào đó, trong hai tuần qua, dịch bệnh đã trở nên ngày càng phức tạp hơn tại khu vực Châu Âu và Châu Mỹ, trong khi 2 thị trường này cũng chiếm tới 17% tổng lượt khách đến Việt Nam trong năm 2019″.
Công suất phòng khách sạn tại Việt Nam đã giảm 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố trung tâm như Tp. HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại Tp. HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội).
Doanh nghiệp bất động sản nên kỳ vọng lấy lại “phong độ”?
Tuy nhiên, thời gian qua với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các ban ngành đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Cùng với đó là Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách nhằm hỗ trợ kích cầu nền kinh tế.
Dù ngành du lịch đang là lĩnh vực chịu thiệt hại nặng của dịch bệnh Covid-19 do khách nội địa cũng giảm đáng kể do người dân ngày càng e ngại hơn khi phải đi đến những địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu, nhà hàng, và khu vui chơi giải trí. Tuy nhiên, theo ông Maur trên thực tế, nhu cầu du lịch trong nước phụ thuộc lớn vào khả năng đối phó với dịch bệnh của Chính Phủ Việt Nam. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ là thị trường đầu tiên phục hồi trở lại.
Vị chuyên gia của Savills đưa ra dẫn chứng,các sự kiện như cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9, khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003 hay một số khủng hoảng thiên tai, bất ổn chính trị tại các quốc gia như động đất – sóng thần tại Nhật Bản, đánh bom ở Bali năm 2002, v.v. Thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng.
Theo dữ liệu của STR, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng Khách sạn ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 đến 3 tháng sau khi WHO đưa ra thông báo đại dịch đã được kiểm soát. Do đại dịch COVID-19 có quy mô lớn hơn và có tác động đáng kể hơn đến toàn bộ nền kinh tế thế giới, khách du lịch nội địa dự kiến sẽ trở lại trong khoảng thời gian ngắn còn khách quốc tế sẽ có một sự phục hồi chậm nhưng ổn định.
Trong khi đó, với những quyết sách mà Chính phủ mới đây đã ban hành, nhất là gói tín dụng 250 nghìn tỷ nhằm kích cầu nền kinh tế, thì theo các chuyên gia địa ốc, thị trường BĐS cũng sẽ được hưởng lợi từ những chính sách này.
Tiến Sĩ Khương khẳng định: “Bằng việc ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19, chúng ta đang thấy Chính phủ có những nỗ lực quyết liệt và thực tế, mà các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt hưởng lợi.”
Cụ thể:
Thứ nhất, doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các Bộ, các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ nhất mà doanh nghiệp luôn cần.
Thứ hai, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng.
Thứ ba, việc đẩy mạnh truyền thông minh bạch, khách quan về kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam, là một điểm cộng rất lớn trong gói kích cầu của Chính phủ. Đây là một trong những chính sách ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh khiến chúng ta có thể tự tin rằng khả năng phục hồi của thị trường Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, đến từ việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19.
Việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận; nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì “sức đề kháng”. Khi Covid-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và “sức đề kháng” của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính.
Theo Nhật Minh / Chuyên trang Tri thức trẻ báo Tổ Quốc
Link bài gốc: http://ttvn.toquoc.vn/thi-truong-bat-dong-san-se-bat-len-manh-me-sau-khi-dich-benh-covid-19-duoc-kiem-soat-42020303102932476.htm