8 điểm nghẽn làm ‘khó’ doanh nghiệp BĐS vừa được kiến nghị tháo gỡ

Trong kiến nghị vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM đưa tra 8 khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trong năm 2019, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS gặp nhiều khó khăn, quy mô thị trường lẫn nguồn cung sản phẩm giảm, kéo theo sự tăng giá bất hợp lý, hầu hết doanh nghiệp BĐS đều giảm doanh thu và lợi nhuận.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, điều tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý. Dẫn đến tình trạng đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo một quy trình đồng bộ.

Trường hợp không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc kịp thời trong thủ tục đầu tư xây dựng dự án, sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS, làm giảm nguồn thu ngân sách…

Do đó, để các doanh nghiệp BĐS có cơ sở hoàn tất thủ tục đầu tư và triển khai dự án, tăng nguồn cung nhà ở, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ ngành có thẩm quyền rà soát và có ý kiến tháo gỡ 8 vướng mắc.

1. Quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi công nhận chủ đầu tư

Về quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, năm 2016 UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Thành phố chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Cụ thể, đối với diện tích đất thuộc diện có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được phê duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở hoặc được ghi trong quyết định thu hồi đất khi thu hồi đất là để thực hiện dự án nhà ở… thì diện tích đất đó được coi là đất ở.

Năm 2017, UBND TP.HCM đã rà soát và tổng hợp, phân loại các trường hợp sử dụng đất trên địa bàn có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng đáp ứng điều kiện để xem xét.

2. Xử lý đất công xen cài trong dự án

Đối với phần đất do Nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…), UBND TP.HCM kiến nghị được áp dụng chung trên địa bàn theo 2 phương án.

Với quỹ đất diện tích dưới 1.000m2 do Nhà nước quản lý nằm trong các dự án nhà ở thì cho phép Thành phố giao cho chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện theo quy hoạch. Trường hợp quỹ đất này có tổng diện tích trên 1.000m2 thì cho thành phố hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất tương đương, tập trung ngay tại dự án để Nhà nước quản lý, sử dụng.

3. Quy định chuyển tiếp với dự án chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp

Trước đây, các dự án nhà ở được công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư chỉ yêu cầu nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp, không yêu cầu phải có quyền sử dụng “đất ở” hợp pháp. Từ khi Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 có hiệu lực, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất ở hợp pháp mới được xem xét công nhận chủ đầu tư.

Nhiều trường hợp chủ đầu tư được phê duyệt dự án hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định cũ đề nghị điều chỉnh quyết định chấp thuận đầu tư do điều chỉnh dự án nhưng đến nay chỉ có quyền sử dụng đất, chưa có quyền sử dụng đất ở theo quy định.

Do đó, UBND TP.HCM kiến nghị cho Thành phố chấp thuận đầu tư các dự án nêu trên theo Nghị định 11/2013/NĐ-CP trong trường hợp dự án đã được giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án hoặc chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất.

4. Dự án có sử dụng đất có nguồn gốc do Nhà nước cho thuê đất

Đối với đất có nguồn gốc do Nhà nước cho thuê đất ngắn hạn trả tiền hằng năm cho đến khi thực hiện quy hoạch, để làm rõ trường hợp nhà đầu tư đề xuất chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở có phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư hay phải thu hồi đất để đấu giá, UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT có hướng dẫn.

8 vấn đề khó khăn về thủ tục đầu tư, pháp lý dự án vừa được UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

5. Xử lý đất của doanh nghiệp cổ phần hoá

Để làm rõ trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở đối với đất đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của doanh nghiệp cổ phần hoá có phải xem xét quyết định chủ trương đầu tư hay phải thu hồi bán đấu giá, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT và các bộ ngành liên quan hướng dẫn xử lý.

6. Quy định chuyển tiếp dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận trước Luật Đầu tư

Theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư đối với các dự án đầu tư đã thực hiện hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cho phép thực hiện trước thời điểm Luật Đầu tư có hiệu lực.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM cho rằng hiện Luật Đầu tư và các hướng dẫn liên quan không quy định rõ các văn bản thuộc các trường hợp này là văn bản nào. Do đó, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể.

7. Phê duyệt đánh giá tác động môi trường

Theo Luật Bảo vệ Môi trương và Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ, một số dự án quyết định chủ trương thuộc trường hợp phải đánh giá tác động môi trường và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, làm căn cứ để UBND Thành phố thực hiện quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Tuy nhiên, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư không yêu cầu quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường, dẫn đến các cơ quan chức năng lúng túng trong quá trình thực hiện thủ tục. Do đó, TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT có ý kiến hướng dẫn thống nhất.

8. Sáp nhập dự án

Luật Đầu tư và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 hướng dẫn không quy định về thủ tục sáp nhập dự án đầu tư. Đối với các dự án nhà ở đã thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, đây là nhu cầu phát sinh trên thực tế của nhà đầu tư trong quá trình cơ cấu lại các dự án hoặc hợp tác phát triển với nhà đầu tư khác.

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ KH&ĐT hướng dẫn thủ tục sáp nhập dự án đầu tư đối với dự án nhà ở được Thành phố quyết định chủ trương đầu tư.

Số liệu của Cục Đăng ký quản lý kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, năm 2019 cả nước có 598 doanh nghiệp BĐS đăng lý tạm dừng hoạt động và có đến 686 doanh nghiệp giải thể, đứng đầu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Trong năm 2018 và 2019, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh BĐS luôn thấp hơn tăng trưởng chung của thành phố, tỷ trọng của ngành BĐS trong tổng sản phẩm GRDP của thành phố theo chiều hướng giảm, từ 7,3% xuống 4,1%. Điều này kéo theo tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng tăng thấp, giá trị sản xuất xây dựng công trình nhà giảm.

Riêng năm 2019, UBND TP.HCM chỉ chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư 4 dự án nhà ở thương mại có đầy đủ pháp lý; chấp thuận đầu tư 16 dự án nhà ở thương mại nhưng chỉ có 7 dự án chấp thuận đầu tư mới. Sở Xây dựng xác nhận 47 dự án với tổng số 24.286 sản phẩm đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành tương lai.

Theo Phương Anh Linh/ VietNamNet

Link bài gốc: //vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/8-diem-nghen-lam-kho-doanh-nghiep-bds-vua-duoc-kien-nghi-thao-go-631727.html

 

Bài cùng chuyên mục