Hình sự hóa quan hệ dân sự: Đừng tạo thông điệp xấu!

Việc truy tố quan hệ kinh tế, dân sự không đúng bản chất khách quan của hành vi là đi ngược với mục tiêu, nguyên tắc của Chính phủ: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”. Thậm chí, việc hình sự hóa quan hệ dân sự còn tạo tiền lệ xấu, rất xấu đối với sự phát triển đất nước.

1. Lịch sử tố tụng Việt Nam đã và đang có không ít “vết đen”, khi không chỉ người dân, mà cả các doanh nhân khi tranh chấp thương mại cũng “vướng” vòng lao lý, dù họ không phạm tội.

Danh sách doanh nhân ấy có những cái tên Hoàng Minh Tiến (Hà Nội), Phùng Thị Thu (Thái Bình), Nguyễn Văn Lượng (Nam Định),… bị “khép” các tội danh trốn thuế, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Các vụ án sau đó bị đình chỉ vì cơ quan tiến hành tố tụng không thể buộc tội doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại, nhưng cũng kịp “đẩy” họ vào trại giam.

Đơn cử như vụ VKSNDTC đình chỉ điều tra sau khi có cáo trạng truy tố đối với ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Công ty TNHH Thành Luân (Nam Định) do có tranh chấp hợp đồng đại lý bồn inox, bồn nhựa với Công ty TNHH Tân Á.

Thông điệp rất xấu ở vụ án quán cà phê Xin chào đã được chặn lại kịp thời.

Khi tranh chấp về công nợ giữa hai doanh nghiệp xảy ra, điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc, buộc ông Nguyễn Văn Lượng phải giao nộp 100 triệu đồng cho điều tra viên với lý do để “trả cho Công ty Tân Á”.

Công ty Tân Á hoàn lại cho Công ty Thành Luân 10 triệu đồng khi hai bên thống nhất đã giải quyết xong công nợ và không còn vướng mắc, thì ông Lượng bất ngờ bị khởi tố để điều tra về hành vi chiếm đoạt tiền của đối tác. Rất may, VKSNDTC đã kịp thời ngăn chặn hậu quả kéo dài.

Hay tại ĐBSCL, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng vừa khiến địa phương “mất điểm” khi khởi tố, bắt giam ông Ngô Chí Dũng – Phó Giám đốc Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu. Đây là doanh nghiệp ra đời từ cuối những năm 80 thế kỷ trước, khi vợ chồng ông Dũng từ TP.HCM xuống Bạc Liêu buôn bán nhỏ, sau đó lập doanh nghiệp, vay vốn mở rộng kinh doanh. Gặp lúc lãi suất tăng cao, xuất khẩu khó khăn,… doanh nghiệp đã bị BIDV Bạc Liêu khởi kiện vì không đủ tiền trả nợ.

Tại tòa, kết luận giám định của NHNN xác định BIDV Bạc Liêu cho vay đúng đối tượng, không xác định được thiệt hại, tài sản thế chấp còn đó. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bạc Liêu sau đó lại tuyên phạt ông Ngô Chí Dũng 20 năm tù với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tới 27/2/2019, TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên xử phúc thẩm. Đại diện VKSND cấp cao cho rằng chưa đủ cơ sở để buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị cáo và có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ giữa doanh nghiệp – ngân hàng. Đáng chú ý, tài sản thế chấp đều vượt tỷ lệ đảm bảo số tiền cho vay của BIDV Bạc Liêu, và ngân hàng cũng chưa bị thiệt hại…

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu bị tuyên hủy toàn bộ. Nhưng Minh Hiếu Bạc Liêu cơ bản cũng “chết lâm sàng”, môi trường đầu tư địa phương bị tổn hại nghiêm trọng. Hơn nữa, doanh nhân Ngô Chí Dũng vẫn chưa được tại ngoại dù đã bị tạm giam suốt gần 3 năm qua.

2. Công ty Thành Luân hay Minh Hiếu Bạc Liêu dù đều là những doanh nghiệp lớn, nhưng cũng thuộc diện “tỉnh lẻ”. Bất ngờ hơn, tại đầu tầu kinh tế TP.HCM, tranh chấp tài sản thừa kế giữa các thành viên trong một gia tộc nổi tiếng cũng bị khởi tố hình sự, có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank).

Theo đó, sau khi cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản thừa kế của gia đình ông Nguyễn Chấn (96 tuổi) và ông Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT Nam A Bank, con ruột ông Nguyễn Chấn), Nam A Bank và ông Toàn đã lập tức khẳng định tranh chấp này đã diễn ra từ nhiều năm nay trong nội bộ gia đình, sau khi nữ doanh nhân Tư Hường (cổ đông sáng lập Nam A Bank, vợ ông Nguyễn Chấn) mất.

“Chúng tôi mong các cơ quan giúp đỡ, tạo điều kiện không đẩy vụ việc ra vấn đề hình sự, để gia đình chúng tôi có thể ngồi lại với nhau nhằm thực hiện tâm nguyện của mẹ tôi (cố doanh nhân Tư Hường), bởi mấu chốt vụ việc chỉ là tranh chấp tài sản”, ông Toàn khẳng định.

Về tố cáo con trai chiếm đoạt tài sản của cha mẹ, ông Nguyễn Chấn cho rằng: Ông chỉ tạm giao cho con trai chìa khóa két sắt, mở hay không, mở lúc nào và dùng các giấy tờ có giá trị vào việc gì thì phải được ông cho phép. Nhưng ông Toàn đã tự ý mở két sắt khi chưa được sự đồng ý của ông, tự ý sang tên cổ phần, chuyển dịch tài sản cho các cá nhân khác…

Giới luật sư, chuyên gia kinh tế sau đó đã lo lắng: Việc xử lý hình sự về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản trong trường hợp này khá khiên cưỡng, bởi ranh giới giữa “được tín nhiệm” và ý thức chiếm đoạt rất khó phân định. Thêm nữa, các con gái của ông Chấn cũng vừa khẳng định các tài sản mà ông Toàn mua bán, chuyển nhượng là hợp pháp, vì đó là tài sản mà bà Tư Hường đã chia cho các con trước khi mất…

Đến nay, dù ông Nguyễn Quốc Toàn đã ủy quyền cho một lãnh đạo Nam A Bank chịu trách nhiệm xử lý mọi công việc, nhưng nếu vụ tranh chấp tài sản thừa kế này tiếp tục bị điều tra hình sự, hậu họa với Nam A Bank vẫn quá khó để đoán lường.

3. Những vụ việc có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự diễn ra rộng khắp không khỏi khiến ta nghĩ về mục tiêu mà Chính phủ đang theo đuổi: “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước!” Đồng thời với việc đặt giao trọng trách rất lớn ấy, Chính phủ cũng tháo bỏ các rào cản bằng nguyên tắc “không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự…” trong Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.

Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời trong bối cảnh Chính phủ đang bằng mọi cách cổ vũ các doanh nghiệp và người dân góp sức cho tăng trưởng, phát triển kinh tế đất nước… Nhưng cũng không thể không kể tới việc ngay thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp, một hộ kinh doanh cà phê tại TP.HCM bị đẩy vào vòng lao lý một cách rất bất thường.

Theo đó, vào 19/4/2016, báo chí đã đăng tải việc chủ quán Café Xin Chào (huyện Bình Chánh) chậm đăng ký kinh doanh năm ngày bị Công an huyện Bình Chánh tống đạt quyết định khởi tố. VKSND và TAND cùng cấp thì định chờ ngày chủ quán ra trước vành móng ngựa…

Gần như lập tức, ngày 21/4/2016, đích thân Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét dừng khởi tố vụ án, bởi nếu chủ quán Xin Chào “thua”, sẽ đưa ra thông điệp rất xấu, đó là mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù. “Thông điệp rất xấu” ở cà phê Xin Chào đã được chặn lại kịp thời. Nhưng nay, lại xuất hiện những thông điệp, tiền lệ xấu lởn vởn như những “bóng ma”.

Việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế như đã nêu trên, không đơn thuần tiềm ẩn những hệ lụy khôn lường đối với môi trường đầu tư, mà đáng lo ngại hơn, nó đi ngược lại với cam kết về bảo vệ doanh nghiệp của Chính phủ.

Nếu như vậy, thì mọi sự hô hào, cổ vũ doanh nghiệp và người dân dám nghĩ dám làm, nỗ lực cùng nhau giúp đất nước hội nhập, vươn mình,… dễ trở nên sáo rỗng.

Kiên Giang/ Theo NB&CL

Bài cùng chuyên mục